(HNMO) - Chiều 15-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Trước khi biểu quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Cụ thể, Luật gồm 8 chương 96 điều. Trong đó, danh hiệu thi đua đối với cá nhân gồm: “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; Chiến sĩ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh; “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”.
Còn danh hiệu thi đua đối với tập thể gồm: “Cờ thi đua của Chính phủ”; Cờ thi đua của bộ, ban, ngành, tỉnh; “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”; “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến”; Xã, phường, thị trấn tiêu biểu; thôn, tổ dân phố văn hóa. Còn danh hiệu thi đua đối với hộ gia đình là “Gia đình văn hóa”.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngày 13-6-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi các đại biểu Quốc hội báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Trong đó, về danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” (Điều 66), đa số ý kiến đại biểu đồng ý với phương án 1 bổ sung đối tượng xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước này, trong đó một số đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “nghệ sĩ” để bảo đảm sự tường minh. Đồng thời, đề nghị có đánh giá tác động việc mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu này để Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định; giao Chính phủ quy định chi tiết về đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng đảm bảo không bỏ sót đối tượng, làm rõ thế nào là “tác phẩm xuất sắc, có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật và được công chúng yêu thích và đón nhận”. Đối với nhà văn và kiến trúc sư, đề nghị nghiên cứu thêm cho phù hợp và tạo sự đồng thuận cao và bổ sung đối tượng “nhà điêu khắc, tạc tượng”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc rà soát để tiếp tục bổ sung người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật thuộc đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” là cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, trong thời gian ngắn chưa thể đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ.
Do đó, sau khi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan, tổ chức liên quan là chỉ quy định trong Luật những vấn đề đã rõ và đã chỉ đạo thiết kế khoản 1 Điều 66 gồm 2 điểm: Điểm a kế thừa quy định các đối tượng của luật hiện hành và điểm b quy định nhóm đối tượng mới được bổ sung và giao Chính phủ quy định. Cụ thể, người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này do Chính phủ quy định. Trên cơ sở tiêu chuẩn khung chung quy định tại khoản 2, khoản 3, Chính phủ sẽ quy định tiêu chuẩn chi tiết phù hợp với các đối tượng cụ thể.
Cụ thể, điều 66 quy định danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” để tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm: Diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, phát thanh viên; Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này do Chính phủ quy định. Còn danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” để tặng cho cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này đã được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” và đạt các tiêu chuẩn theo quy định.
Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” để tặng cho cá nhân có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó, danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” để tặng cho cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này đã được tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và đạt các tiêu chuẩn: Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất đạo đức tốt; kỹ năng đặc biệt xuất sắc; có thời gian hoạt động liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa từ 20 năm trở lên; có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; được đồng nghiệp, nhân dân mến mộ, kính trọng; tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong cả nước.
Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” để tặng cho cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này đạt các tiêu chuẩn sau: Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất đạo đức tốt, kỹ năng đặc biệt xuất sắc; có thời gian hoạt động liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa từ 15 năm trở lên; có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; được đồng nghiệp, nhân dân mến mộ; tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.
Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được xét tặng và công bố 3 năm/lần vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.