(HNM) - Những tấm lòng thương yêu, chia sẻ, hành động nghĩa tình nhằm nâng đỡ, trợ giúp người gặp khó khăn được ví như những hạt mầm nhân ái. Gieo hạt càng nhiều, càng sớm, hạt mầm càng có cơ hội nảy nở, sinh sôi. Phát huy vai trò điều phối, cầu nối trong hoạt động nhân đạo ở Thủ đô, các cấp hội Chữ thập đỏ Hà Nội phối hợp với các địa phương, nhà trường phát triển phong trào chữ thập đỏ trong trường học, góp phần đưa yêu thương lan tỏa.
Quan tâm “nhân cấy”
Hiện nay công tác chữ thập đỏ được các cơ quan chức năng quan tâm “nhân cấy” trong hệ thống trường học trên địa bàn Hà Nội, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh, tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm cùng tham gia. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, toàn thành phố hiện có hơn 530.000 thanh, thiếu niên chữ thập đỏ, gần 100% cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp có hội, chi hội chữ thập đỏ, câu lạc bộ thanh niên tình nguyện hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của Hội Chữ thập đỏ. Lực lượng này tích cực tham gia các phong trào, hoạt động: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Trường tới trường - Kết nối yêu thương”, “Nuôi lợn nhựa”, “Hòm từ thiện”, “Thùng giấy tiết kiệm”, hiến máu tình nguyện…
Hiệu quả hoạt động của phong trào chữ thập đỏ trường học thể hiện ngày càng rõ nét, đạt trị giá hàng chục tỷ đồng/năm. Ước 9 tháng năm 2022, riêng nguồn lực vận động qua chương trình “Trường tới trường - Kết nối yêu thương” được triển khai từ khối các trường tiểu học đến trung học cơ sở đạt hơn 7 tỷ đồng, giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Nổi bật là huyện Gia Lâm đã vận động nguồn lực đạt trị giá gần 1,036 tỷ đồng; quận Hai Bà Trưng hơn 981 triệu đồng; quận Cầu Giấy hơn 822 triệu đồng… Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Thanh Yến nhấn mạnh, việc phát triển công tác chữ thập đỏ trong trường học góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh, hướng các em đến lối sống nhân văn, biết yêu thương, chia sẻ.
Ở khối các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn Hà Nội, những thanh niên, sinh viên giàu lòng nhân ái luôn nhiệt tình, tích cực tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ thanh niên vận động hiến máu tình nguyện. Trung bình mỗi năm, lực lượng thanh niên, sinh viên vận động hoặc tham gia hiến máu tình nguyện đạt hơn 40% tổng lượng máu thu về trên địa bàn thành phố…
Lan tỏa, kết nối yêu thương
Công tác chữ thập đỏ trong trường học đạt hiệu quả tích cực góp phần lan tỏa những hành động đẹp trong xã hội. Chị Trần Ngân Anh, phụ huynh của em Lê Anh Thư (học sinh khối 8, Trường Trung học cơ sở Giảng Võ, quận Ba Đình) cho biết: “Để con hình thành trách nhiệm chia sẻ với xã hội, gia đình tôi thường đưa con đến những hoàn cảnh cần giúp đỡ. Mỗi khi con làm tốt việc nhà hoặc đạt kết quả cao trong học tập, tôi thưởng cho con số tiền nhỏ và bỏ vào lợn tiết kiệm. Cuối năm, cả gia đình háo hức mổ lợn nhựa, dành toàn bộ số tiền này để ủng hộ học sinh nghèo”.
Đáng ghi nhận, nguồn lực thu về từ công tác chữ thập đỏ trường học góp phần tiếp thêm động lực, niềm tin cho nhiều học sinh khó khăn không những trên địa bàn thành phố mà còn với các bạn ở vùng cao, vùng xa. Đón nhận học bổng vào cuối tháng 8-2022 thông qua phong trào chữ thập đỏ, em Phạm Thái Tân, học sinh lớp 6A, Trường Trung học cơ sở Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai) bày tỏ: “Em cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng thầy cô, bạn bè và cán bộ, hội viên chữ thập đỏ”. Là một trong những địa phương tiếp nhận nguồn hỗ trợ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa) Chu Đình Trọng cho hay: “Những phần quà tặng ý nghĩa đến từ phụ huynh, học sinh Hà Nội giúp nhiều học sinh nghèo của huyện có điều kiện học tập tốt hơn. Đầu năm học 2022-2023, hơn 200 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông của huyện đón nhận những phần quà ý nghĩa từ Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm còn hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất tại Trường Tiểu học Sơn Thủy (huyện Quan Sơn) với kinh phí 700 triệu đồng”.
Trong khi đó, phong trào hiến máu tình nguyện phát triển trong khối các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp cũng xuất hiện những tấm gương tiêu biểu. Có thể kể đến trường hợp Vũ Hải Dương, hiện là sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) với 11 lần tham gia hiến máu; Bùi Thị Huê, Đội trưởng Đội Thanh niên vận động hiến máu (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) trực tiếp hiến máu 10 lần, vận động hơn 2.000 người cùng tham gia... “Nguồn máu thu về từ lực lượng thanh niên, sinh viên tham gia hiến máu ở Thủ đô góp phần cung ứng lượng máu không nhỏ cho ngân hàng máu, qua đó nâng cao hiệu quả cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân”, Giám đốc Viện Huyết học - Truyền máu trung ương Bạch Quốc Khánh nói.
Bền bỉ triển khai thông qua những mô hình thiết thực, cách làm sáng tạo, công tác chữ thập đỏ trong trường học ở Hà Nội là “mảnh đất” rộng lớn để gieo trồng những “hạt mầm” nhân ái, đưa tình yêu thương kết nối, lan tỏa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.