Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục liêm, chính để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới

Tiến sĩ Bùi Thế Đức| 15/11/2021 06:32

(HNM) - Nghị quyết Trung ương số 33-NQ/TƯ ngày 5-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã đề ra quan điểm: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp…”.

Trong khuôn khổ bài viết này, xin chỉ bàn tới “phần đức” của người cán bộ, đảng viên và vai trò của tổ chức Đảng trong việc giáo dục liêm, chính đối với cán bộ, đảng viên để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới.

1. Chúng ta đều biết, “liêm” và “chính” là hai trong bốn đức tính cốt lõi của con người: Cần, kiệm, liêm, chính. Đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên, bốn đức tính ấy là nội dung cốt lõi phản ánh đạo đức cách mạng, là “nền tảng của đời sống văn hóa mới”, là phẩm chất trung tâm của đạo đức và là mối quan hệ đối với “tự mình” của người cách mạng. Mức độ cần, kiệm, liêm, chính trong Đảng mà trực tiếp của mỗi cán bộ, đảng viên chính là trình độ văn minh, sự phát triển văn hóa của một dân tộc vì Đảng ta là Đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”.

“Liêm” theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân; không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân. Tức là, phải trong sạch, không tham lam địa vị, tiền của, danh tiếng, sung sướng. Không tâng bốc mình. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Hành vi trái với chữ “Liêm’’ là cậy quyền thế mà đục khoét, ăn của dân, hoặc trộm của công làm của riêng. Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình.

Cũng theo Bác, “Chính” là không tà, thẳng thắn, đứng đắn. Đối với mình, không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn kiểm điểm mình để phát huy điều hay, sửa đổi điều dở. Đối với người, không nịnh hót người trên, xem khinh người dưới; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, không dối trá, lừa lọc. Đối với việc, để việc công lên trên việc tư, làm việc gì đến nơi đến chốn, không ngại khó, nguy hiểm, cố gắng làm việc cho dân, cho nước. Người chính trực thấy việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì nhỏ mấy cũng tránh.

Thực tiễn xây dựng chính Đảng Mác xít đã chứng minh, đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước nếu không thực hiện tốt đạo đức cách mạng, không làm tốt nhiệm vụ chống tha hóa, hủ bại, suy thoái đạo đức, lối sống thì càng ngày sẽ càng trở nên khó khăn, gian nan hơn. Muốn kiên định, kiên quyết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì càng cần phải nâng cao năng lực chống tha hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên, thường xuyên thực hiện liêm, chính trong Đảng.

2. Hơn lúc nào hết, các cấp ủy Đảng cần phải hết sức coi trọng giáo dục tinh thần liêm, chính cho cán bộ, đảng viên.

Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có thái độ làm việc nghiêm túc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng lối sống trong sáng, liêm, chính, gương mẫu, đấu tranh quyết liệt với tình trạng suy thoái biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng...

Trong điều kiện cơ chế, chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ và chưa đủ răn đe, nếu tinh thần liêm, chính không được giáo dục thường xuyên và tự giác thực hiện, khi có chức, có quyền, cán bộ, đảng viên dễ bị tha hóa, biến chất. Vì thế, tổ chức Đảng các cấp, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội bên cạnh việc giáo dục liêm, chính, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tổ chức của Đảng ngay từ lúc mới bắt đầu manh nha...

Các cấp ủy Đảng phải hết sức coi trọng giáo dục liêm, chính gắn với giáo dục tinh thần nêu gương. Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu nêu gương cho cấp dưới. Vì vậy, khi các đồng chí lãnh đạo cấp cao thật sự gương mẫu, trong sáng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu biểu cho trí tuệ và đạo đức của toàn Đảng sẽ tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ theo Nghị quyết số 26-NQ/TƯ mà Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra. Song, với tinh thần mọi đảng viên đều bình đẳng trước Điều lệ, các nguyên tắc, quy định của Đảng thì chúng ta cũng phải thấm nhuần tư duy kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trên tinh thần đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Như chúng ta đã biết, “văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”[1].

Do vậy, nếu giáo dục liêm, chính đối với cán bộ, đảng viên muốn có hiệu quả cao thì phải tiến hành thực hiện tốt việc xây dựng văn hóa trong các tổ chức, cơ quan Đảng, Nhà nước để khơi dậy khát vọng chân, thiện, mỹ của con người - đảng viên. Bởi văn học, nghệ thuật có sức mạnh chinh phục cảm hóa con người, nâng đỡ và nuôi dưỡng tâm hồn con người không gì thay thế được. Và, một khi giáo dục liêm, chính cho cán bộ, đảng viên của một đảng cầm quyền có hiệu quả sẽ lan tỏa trong xã hội, tạo nên những hiệu ứng tích cực như người ta thường nói: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” để khẳng định vai trò tiên phong của người cán bộ, đảng viên. Như vậy, giáo dục liêm, chính là giáo dục đạo đức, nói cách khác là giáo dục cái “cốt lõi” của văn hóa đã trở thành đức trị bổ sung cho pháp trị, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Do vậy, để hiện thực hóa quan điểm trên của Đảng đi vào cuộc sống thì việc thể chế hóa nghị quyết của Đảng giữ vai trò quyết định. Đồng thời, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đề ra việc “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới”[2].

Ngày 24-11-2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức “Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, chúng ta tin tưởng rằng Hội nghị nhất định sẽ có những chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển văn hóa trong giai đoạn tới để góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Tiến sĩ Bùi Thế Đức
(Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương;
nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương)

--------------------

[1] Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, ngày 16-6-2008.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Hà Nội - 2021, trang 143.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục liêm, chính để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.