Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/975 -30/4/2025) đã khép lại, song dư âm về niềm hạnh phúc và tự hào còn đọng lại mãi trong lòng hàng triệu người dân Việt Nam. Thế nhưng, đi ngược lại tiếng lòng của người dân đất Việt, những kẻ phản động, chống phá vẫn rêu rao luận điệu xuyên tạc hòng phủ nhận ý nghĩa lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
1. Chúng ta, nhất là thế hệ trẻ hôm nay, có lẽ khó hình dung hết những khổ đau, mất mát mà dân tộc ta đã phải gánh chịu trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là những năm tháng bị đô hộ và chia cắt. Khát vọng độc lập, tự do, thống nhất luôn cháy bỏng trong tim mỗi người dân Việt Nam. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết quả tất yếu của một quá trình đấu tranh bền bỉ, kiên cường, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu xương của bao thế hệ.
Thế nhưng, suốt bao năm qua, cứ mỗi dịp kỷ niệm 30-4, một nhóm những kẻ phản động, chống phá, cơ hội chính trị câu kết với nhau, tìm cách xuyên tạc sự thật lịch sử. Năm nay cũng không phải ngoại lệ. Chúng tiếp tục đưa ra những giọng điệu lạc lõng, cố tình phủ nhận hoặc bóp méo ý nghĩa lịch sử vĩ đại của Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Chúng xuyên tạc bản chất cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chính nghĩa, cố tình đánh đồng kẻ xâm lược và người bị xâm lược, phủ nhận vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta...
Mức độ chống phá, xuyên tạc được chúng đẩy lên cao trào vào trước, trong và sau Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Có thể điểm mặt, chỉ tên: Tổ chức khủng bố Việt Tân dẫn những bài đăng của những kẻ đã lộ rõ bản chất chống phá, phản động từ lâu; chúng đặt vấn đề lật lại lịch sử như kiểu “Ký ức 30-4: Ai giải phóng ai?”, “Cuộc chiến Việt Nam 54-75 được gọi tên thế nào?”. Trang BBC tiếng Việt cũng không khác mấy kiểu cách trên, khi trích dẫn hàng loạt câu hỏi mang tính phá hoại của một số cá nhân chống phá trên mạng xã hội rồi đặt vấn đề kiểu mập mờ, gây hoài nghi, chia rẽ như: “Chiến tranh Việt Nam: Bản chất cuộc chiến là gì?”; “Ý thức hệ còn thì lòng người còn chia cắt”... Trang này không đưa những hình ảnh đẹp của lễ diễu binh, diễu hành cùng niềm vui, hạnh phúc của hàng triệu người dân, mà chủ yếu đào bới một vài hiện tượng chưa đẹp, hình ảnh có tính cá nhân xảy ra trong Lễ kỷ niệm ngày 30-4 vừa qua.
Một sự kiện trọng đại, với sự tham gia của hàng chục vạn người, thậm chí cả triệu người mà vẫn an toàn tuyệt đối thì tuyệt nhiên không được nhắc đến, đủ thấy “thâm ý” của những thế lực này như thế nào.
Những kẻ mượn danh đấu tranh vì nhân quyền như Trần Huỳnh Duy Thức cũng lên tiếng ra vẻ đạo đức với những lập luận ngụy tạo nhằm gieo rắc hoài nghi như: “50 năm là đủ lâu để thôi nói về chiến thắng và bắt đầu nói về trách nhiệm. Trách nhiệm với sự thật. Trách nhiệm với nhân dân. Trách nhiệm với tương lai”.
Thế rồi, lác đác trên mạng xã hội cảnh một nhóm người lưu vong vẫn bám riết lấy cụm từ “quốc hận” để diễn trò hề với lá cờ ba que vốn chỉ còn là dĩ vãng. Họ nhất quyết không chịu buông bỏ, không chịu thừa nhận sự thật cũng như những giá trị vĩ đại mà độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc mang lại cho nhân dân Việt Nam.
2. Chúng ta đều biết rằng, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là minh chứng hùng hồn nhất cho khát vọng cháy bỏng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Đó là chiến thắng của ý chí thống nhất non sông, của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, của tinh thần tự lực, tự cường, không khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào. Chiến thắng vĩ đại này đã chấm dứt hoàn toàn ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới, giải phóng miền Nam khỏi chế độ ngụy quyền tay sai, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và thống nhất.
Chúng ta tự hào là một quốc gia có chủ quyền, tự do lựa chọn con đường phát triển của riêng mình, không bị bất kỳ thế lực nào áp đặt hay can thiệp. Giá trị tự do mà chúng ta giành được là sự giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bất công. Người dân Việt Nam được hưởng các quyền tự do, được sống trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tự do ấy không chỉ là tự do về chính trị, mà còn là tự do về kinh tế, văn hóa, tư tưởng, tạo điều kiện cho mỗi người dân phát huy tối đa tiềm năng của mình, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Giá trị thống nhất đất nước còn là sự hoàn thành trọn vẹn tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cha ông. Non sông thu về một mối, Bắc Nam liền một dải, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thống nhất không chỉ là sự thống nhất về lãnh thổ, mà còn là sự thống nhất về ý chí, hành động, tạo nên một khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc.
Những giá trị độc lập, tự do, thống nhất ấy đã thấm sâu vào từng tấc đất, ngọn cỏ, vào trái tim của mỗi người dân Việt Nam, tạo thành nền tảng tinh thần vững chắc, động lực mạnh mẽ để cả dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Vậy thì, những luận điệu xuyên tạc kia có nghĩa lý gì trước những giá trị thiêng liêng và bất khả xâm phạm này? Chúng chỉ là những tiếng nói lạc lõng trong sự vô vọng của những đối tượng phản động, thiếu thiện chí, tức tối bởi sự thành công của dân tộc Việt Nam. Những tiếng nói lạc điệu đó không bao giờ có thể phủ nhận được sự thật hiển nhiên rằng, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một mốc son chói lọi, một biểu tượng vĩnh cửu của ý chí quật cường và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
3. Tự hào về thế hệ đi trước đã làm tất cả để đất nước thống nhất, chúng ta không khỏi xót xa khi trên thế giới không ít quốc gia đã đánh mất cơ hội vàng để rồi phải chịu cảnh chia lìa như vết thương rỉ máu âm ỉ đến tận ngày nay. Sự chia cắt đất nước, dù dưới bất kỳ hình thức nào, đều gieo rắc những mầm mống khổ đau. Bởi đây là ranh giới ngăn cách tình thân, chia lìa những cộng đồng chung một cội nguồn văn hóa, ngôn ngữ. Hơn thế nữa, sự chia cắt làm cho nguy cơ xung đột, căng thẳng luôn tiềm ẩn, đe dọa đến hòa bình và ổn định của cả khu vực.
Chính vì vậy, ngày nay, bảo vệ nền độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ số 1 luôn được các quốc gia trên thế giới coi trọng. Ngược lại, kẻ thù cũng luôn tìm cách phá vỡ sự thống nhất, gây chia rẽ nhằm làm suy yếu và dễ bề thao túng các quốc gia.
Càng trân trọng những giá trị của độc lập, tự do và thống nhất, càng phải kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái. Cần phải giáo dục thế hệ trẻ về ý nghĩa vĩ đại của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, về giá trị của độc lập, tự do, thống nhất mà cha ông ta đã đổ bao xương máu để giành được; trân trọng những thành quả cách mạng, tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước.
Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/975 - 30/4/2025) đã làm lay động trái tim triệu triệu người dân đất Việt chính là minh chứng hùng hồn về giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do và thống nhất. 21 năm ròng rã, biết bao xương máu đã đổ xuống, biết bao hy sinh thầm lặng đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử, để hôm nay, chúng ta được sống dưới mái nhà Việt Nam thống nhất, tự hào ngắm nhìn non sông gấm vóc liền một dải. Đây không chỉ là một sự kiện kỷ niệm, mà còn là lời khẳng định đanh thép với thế giới về sức mạnh của một dân tộc kiên cường, về giá trị vĩnh cửu của độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất. Đó còn là lời nhắc nhở sâu sắc đối với mỗi chúng ta về trách nhiệm phải bảo vệ và phát huy những giá trị to lớn ấy, tạo thành động lực cùng đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng vững mạnh, hùng cường, thịnh vượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.