Hai dự án xây dựng bệnh viện đồ sộ - cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được xây dựng ở tỉnh Hà Nam từng được kỳ vọng sẽ giảm tải áp lực y tế cho Thủ đô và khu vực phía Bắc.
Thế nhưng sau hơn một thập kỷ, không như kỳ vọng, 2 dự án này lại trở thành “điển hình” về sự lãng phí trong đầu tư công.
Việc Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ở tỉnh Hà Nam sang Bộ Công an để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật, đánh dấu một bước chuyển căn bản: Từ “phát hiện” sang “xử lý”, từ cảnh báo sang hành động. Nhưng quan trọng hơn, đó chính là khẳng định: Chống lãng phí cũng như chống tham nhũng, không có vùng cấm.
1. Còn nhớ, tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội chiều 26-10-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đặt vấn đề: “Dân hỏi nhưng không trả lời được. Ai cũng nói mảnh đất đó là vàng, là quý, trị giá bao nhiêu tiền nhưng cả chục năm vẫn để cỏ mọc, vậy ai chịu trách nhiệm?” và trực tiếp chỉ tên 2 bệnh viện công được Nhà nước đầu tư nhưng đến nay vẫn bỏ hoang.
“Ai chịu trách nhiệm?”, câu hỏi ấy không chỉ để nhấn mạnh vai trò giám sát tối cao của nhân dân, mà còn nhấn mạnh quan điểm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Lãng phí là hành vi gây thiệt hại thực sự, phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật.
Tiếp đó, tại phiên họp thứ 27 của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (ngày 31-12-2024), Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải tiến hành thanh tra đối với 2 dự án trên.
Quan điểm chỉ đạo rất rõ: Để xảy ra lãng phí phải có người chịu trách nhiệm; lãng phí không còn là lỗi vô tình, mà là hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm, gây tổn thất cho đất nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân và phá vỡ kỷ luật ngân sách. Hành vi này không thể chỉ rút kinh nghiệm hay khiển trách nội bộ mà phải xử lý bằng luật pháp, bằng kỷ luật Đảng và bằng cả trách nhiệm chính trị.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và đã có kết luận, xác định hơn 1.200 tỷ đồng bị lãng phí tại 2 dự án này do chậm đưa vào sử dụng và sai phạm trong quá trình đầu tư, mua sắm, phân bổ vốn. Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ trách nhiệm đối với Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Y tế được phân công phụ trách 2 dự án theo từng thời kỳ liên quan đến các vi phạm, sai phạm vì thiếu kiểm tra, giám sát, buông lỏng quản lý.
Theo cập nhật mới nhất, Bộ Công an đã tiếp nhận hồ sơ, điều tra Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, được khởi công xây dựng cuối năm 2014 tại tỉnh Hà Nam do Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm (Bộ Y tế) làm chủ đầu tư; sai phạm của tập thể, cá nhân liên quan sẽ được làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Song, điều đáng suy ngẫm, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, liệu những con số ấy có được đưa ra ánh sáng?
Hai dự án trên là một ví dụ “điển hình”. Thực tiễn cho thấy còn có nhiều công trình dở dang, đội vốn, chậm tiến độ kéo dài hàng chục năm, nhiều công trình xây xong nhưng không hoạt động… đều có chung “mẫu số”: Buông lỏng quản lý, thiếu giám sát và không rõ ai là người phải chịu trách nhiệm.
2. Trở lại 2 dự án bệnh viện trên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, đã có những sai phạm mang tính hệ thống, vi phạm sau có nguyên nhân từ vi phạm trước; có yếu tố chủ quan xảy ra ở hầu hết các khâu, từ chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư; phê duyệt chủ trương, kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tổ chức đấu thầu; lựa chọn, ký kết và thực hiện các gói thầu… Từ đây, có thể nhận diện những bất cập trong công tác quản lý đầu tư công: Đó là sự thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát từ cơ quan chủ quản khi để tình trạng thiếu phối hợp, dừng triển khai kéo dài mà không có bất kỳ giải pháp khắc phục hiệu quả nào. Vụ việc cũng cho thấy còn có sự buông lỏng trong công tác giám sát vốn đầu tư…
Câu chuyện lãng phí nhìn từ 2 “công trình bỏ không” tại Hà Nam không còn là chuyện nội bộ của một ngành mà là câu chuyện về kỷ cương, sự nghiêm minh của pháp luật và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước. Chống lãng phí không thể coi là “chuyện nhẹ” hơn chống tham nhũng bởi khác với tài sản tham nhũng còn có thể truy thu, thì lãng phí là mất mát khó có thể phục hồi. Và nghiêm trọng hơn, lãng phí làm xói mòn niềm tin của xã hội, triệt tiêu nguồn lực phát triển đất nước.
Đặt trong bối cảnh đó, sự chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chính là điểm tựa chính trị vững chắc. Việc sửa đổi quy chế hoạt động, bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống lãng phí ở các cấp; việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý các tồn tại kéo dài liên quan đến các công trình, dự án chậm tiến độ, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn; việc chỉ đạo xem xét xử lý một số vụ án gây lãng phí lớn ngân sách nhà nước, hay tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài sản công… là những việc làm hết sức cấp thiết nhằm bịt ngay những “kẽ hở” nguy hiểm.
Chống lãng phí, vì thế không thể là phong trào, càng không thể là khẩu hiệu mà là yêu cầu chính trị, mệnh lệnh hành động đối với mỗi cán bộ, đảng viên, từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị.
Từ việc “phát hiện” đến “xử lý”, từ khuyến nghị đến hành động cụ thể, Đảng và Nhà nước ta đang kiến tạo lại một nền tảng quản trị công dựa trên liêm chính, kỷ luật và minh bạch. Nếu từng sai phạm được làm rõ, từng trách nhiệm được chỉ danh, từng đồng ngân sách được giám sát đến cùng, thì sẽ không xảy ra lãng phí, thất thoát. Và khi đó, chúng ta không chỉ “xây” những công trình phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội, mà còn “xây” kỷ cương và bộ máy công quyền liêm chính, vì nhân dân, vì doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.