Ngày 14-4-2025, Ban Chỉ đạo Trung ương (Ban Chỉ đạo) về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TƯ (ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) ban hành Kế hoạch số 47-KH/BCĐ năm 2025 về thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp.
Nội dung đáng chú ý là cấp xã sẽ chuyển từ mô hình “chính quyền quản lý” sang mô hình “chính quyền phục vụ”, lấy người dân là trung tâm; chủ động nắm bắt, giải quyết các vấn đề phát sinh và liên quan đến cá nhân, tổ chức ngay từ cơ sở.
1. Từ ngày 1-7-2025, khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được triển khai đồng bộ trên cả nước, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân” càng trở thành động lực mạnh mẽ của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, đặc biệt ở cấp xã - nơi gần nhân dân nhất, liên quan trực tiếp nhất với đời sống hằng ngày của nhân dân.
Để việc chuyển đổi từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ” thành hiện thực, chúng ta cần nhìn nhận sâu sắc hơn những rào cản và yêu cầu cấp thiết phía trước. Sự thay đổi từ mô hình “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ” không chỉ là sự thay đổi thuật ngữ, mà là một cuộc cách mạng toàn diện về tư duy và phương thức vận hành.
Trước đây, cán bộ cấp xã thường đóng vai trò “người thi hành luật”, nặng về kiểm soát, giải quyết giấy tờ và quản lý nhân khẩu... Mô hình này có giai đoạn phù hợp, nhưng nay bộc lộ rõ giới hạn trong bối cảnh cải cách hành chính và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Đã có một số địa phương như Hà Nội, thực hiện nghị quyết của Quốc hội và nghị định của Chính phủ, thành phố chính thức thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND cấp phường từ ngày 1-7-2021. Kết quả thí điểm cho thấy, việc không tổ chức HĐND phường - một tầng nấc trong hệ thống, không nhằm giảm vai trò đại diện của nhân dân, mà để tăng hiệu lực điều hành và hiệu quả phục vụ.
Mô hình mới đòi hỏi chính quyền cấp xã phải trở thành “chính quyền hành động”, nơi cán bộ không chỉ biết việc mà còn “hết lòng” vì dân. Đây chính là điểm mấu chốt quyết định. Một đội ngũ cán bộ cấp xã của mô hình mới phải hội tụ đủ các tiêu chuẩn: Chuyên môn vững vàng, am hiểu pháp luật và công nghệ; tư duy đổi mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm và trên hết, phải có phẩm chất tận tụy, coi sự hài lòng của dân là thước đo thành công. Chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tại Hội nghị lần thứ hai mươi hai Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (ngày 28-4-2025) cũng nhấn mạnh điều này: Việc bố trí cán bộ phải công tâm, khách quan, lựa chọn người có phẩm chất đạo đức tốt, đủ tiêu chuẩn, điều kiện, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu khó khăn, thách thức; vì yêu cầu, công việc chung để bố trí cán bộ.
Thực tế, từng xảy ra hiện tượng “chạy chọt” trong công tác cán bộ và có tình trạng xa dân. Vì vậy, chỉ có sự đoàn kết, bản lĩnh và dân chủ trong lựa chọn nhân sự mới là “lá chắn” để bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ vững mạnh, từ đó tạo nên một bộ máy hiệu quả thực sự.
2. Mô hình mới xác lập rất rõ vị thế của từng cấp: Cấp trung ương xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, giữ vai trò kiến tạo, quản lý vĩ mô và kiểm tra, giám sát. Cấp tỉnh: Hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động của chính quyền cấp tỉnh theo hướng nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ, “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Cấp xã: Chuyển từ mô hình “chính quyền quản lý” sang mô hình “chính quyền phục vụ”, lấy người dân là trung tâm, chủ động nắm bắt, giải quyết các vấn đề phát sinh và liên quan đến cá nhân, tổ chức ngay từ cơ sở.
Yêu cầu này đòi hỏi chính quyền, đặc biệt là cấp xã, phải thực sự gần dân, hiểu và cảm thông, chia sẻ và giải quyết thấu đáo nguyện vọng chính đáng của người dân, coi sự hài lòng của người dân là thước đo chất lượng hoạt động của cả bộ máy.
Theo kế hoạch, từ ngày 1-7-2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ được triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước. Chính quyền cấp xã sẽ thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan trực tiếp đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, hiện đang được quy định cho chính quyền địa phương cấp xã và chính quyền địa phương cấp huyện. Các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay được chuyển toàn bộ về cho chính quyền địa phương cấp xã thực hiện.
Khi các nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện được chuyển xuống cấp xã, áp lực lên chính quyền cơ sở sẽ tăng lên rất nhiều. Đây không chỉ là cơ hội để cấp xã khẳng định vai trò “gần dân, vì dân”, mà còn là thử thách lớn, đòi hỏi sự chuyển mình toàn diện. Một chính quyền phục vụ đúng nghĩa phải biết “cúi mình” lắng nghe, “bước tới” hành động và “lặng lẽ” làm việc vì lợi ích của nhân dân. Đó là văn hóa quản trị mới, không còn là mệnh lệnh, mà là đồng hành.
Thành công của mô hình phụ thuộc vào hai yếu tố: Tinh gọn tổ chức là điều kiện cần, nhưng thay đổi tư duy và nâng cao năng lực cán bộ mới là điều kiện đủ. Nếu không, nguy cơ rơi vào tình trạng “đổi tên mà không đổi chất” là hoàn toàn hiện hữu. Người dân, những người hưởng lợi trực tiếp, sẽ là người giám sát và đánh giá cuối cùng. Sự hài lòng của người dân sẽ là bằng chứng rõ ràng nhất về thành quả của cuộc cách mạng này.
Từ “quản lý” sang “phục vụ” là bước ngoặt lịch sử của chính quyền cấp xã, không chỉ là yêu cầu của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy mà còn là tiếng gọi của thời đại và nguyện vọng của nhân dân. Để hiện thực hóa yêu cầu về một bộ máy hành động, tận tâm và hiệu quả, chúng ta cần một đội ngũ cán bộ xứng đáng, những người luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Đây không chỉ là nhiệm vụ của Đảng, chính quyền, mà còn là trách nhiệm của cả xã hội.
Hãy hành động, bởi thời gian không chờ đợi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.