Là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, Đông Anh xác định mục tiêu phát triển kinh tế, đô thị song hành với bảo vệ môi trường, mở rộng không gian xanh. Với định hướng đó, những năm qua, nhiều mô hình sinh thái “nở rộ” trên mảnh đất Đông Anh.
Nằm bên vùng bãi sông Hồng, nhiều năm nay, nông dân xã Tàm Xá (huyện Đông Anh) chủ động chuyển đổi sang những mô hình xanh, sạch, hiệu quả kinh tế cao. Chủ tịch UBND xã Tàm Xá Lê Huy Duy chia sẻ, Tàm Xá trước đây nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, nay đã trở thành "thủ phủ" quất cảnh của Hà Nội. Từ những vườn dâu kém hiệu quả, nông dân Tàm Xá chủ động chuyển sang trồng quất cảnh. Đến nay, toàn xã có 85ha trồng quất cảnh, chiếm 1/3 diện tích nông nghiệp. Quất Tàm Xá đã khẳng định được thương hiệu, sản xuất xanh, sạch và trở thành địa chỉ cung cấp quất đẹp cho Thủ đô và các tỉnh lân cận.
Không chỉ Tàm Xá, nhiều xã ven sông khác của huyện Đông Anh cũng đang chuyển đổi vùng bãi. Tại xã Mai Lâm, những vườn bưởi Diễn, cam Canh, ổi Đài Loan được trồng xen lẫn những vườn táo. Đất bãi ven sông màu mỡ, kết hợp với môi trường trong lành đã tạo điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Vào dịp cuối tuần, du khách từ khắp nơi đổ về tham quan, mua sắm, chụp ảnh. Mô hình này không chỉ giúp quảng bá sản phẩm mà còn tăng thu nhập cho người dân.
Tại xã Cổ Loa, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Loa Nguyễn Thị Lương cho biết, phát triển kinh tế trong lòng di sản, Cổ Loa lựa chọn các mô hình sản xuất xanh, sạch để hài hòa với quy hoạch và định hướng phát triển của địa phương. Các mô hình sinh thái như trồng hoa sen, hoa súng gắn với du lịch hay mô hình trồng khoai tây hữu cơ, phát triển các vườn ươm cây giống đặc sản như mít Cổ Loa, trám… từ đó mở ra những không gian xanh, sinh thái cho xã. Đặc biệt, Cổ Loa còn là xã tiên phong của huyện Đông Anh thực hiện đề án cải tạo ao, hồ. Đến nay, Cổ Loa đã hoàn thành cải tạo 19 ao, hồ. Cùng với cây xanh, các ao, hồ này đã tạo nên nét thanh bình cho vùng quê nông thôn mới, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.
Không riêng Cổ Loa, Tàm Xá, hầu hết các xã trên địa bàn huyện Đông Anh đều có định hướng phát triển kinh tế gắn với không gian xanh, cụ thể là từ những mô hình sản xuất đến những mô hình thi đua. Đông Anh đã hình thành vùng trồng hoa, cây cảnh với diện tích 150ha và vùng cây ăn quả an toàn với diện tích 50ha. Huyện có hơn 40 mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ở Đông Anh đều đạt tiêu chí xanh, sạch, đón đầu xu hướng đô thị trong tương lai.
Đặc biệt, Đông Anh cũng là địa phương tiên phong trong rà soát, thống kê diện tích đất bãi để quản lý, sử dụng hiệu quả, đặc biệt là phát triển các mô hình xanh, bảo vệ môi trường. Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đông Anh Hoàng Anh Tuấn cho biết: Thực hiện đề án quản lý, khai thác và sử dụng đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, đất nông nghiệp công ngoài công ích và đất bãi bồi ven sông trên địa bàn huyện năm 2023 và những năm tiếp theo, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức rà soát toàn bộ diện tích đất nông nghiệp công ích, đất nông nghiệp công và đất bãi bồi ven sông. Qua rà soát, tổng diện tích đất nông nghiệp công ích, đất nông nghiệp công, đất bãi bồi, ven sông trên địa bàn là 1.335,96ha, khoảng 1.516 khu đất. Trong đó có 419 khu đất với diện tích 612,9ha phù hợp quy hoạch; khoảng 268 khu đất, 281,6ha có một phần phù hợp, một phần không phù hợp quy hoạch…
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng khẳng định: Đông Anh đang phát triển đúng định hướng và quy hoạch. Đối với vùng bãi, huyện tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, sinh thái, tạo vành đai xanh cho huyện và Thủ đô; đồng thời, quản lý tốt nguồn đất công để xây dựng các công trình xanh công cộng. Huyện luôn chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái và quy hoạch vùng sản xuất. Dù có tốc độ đô thị hóa cao, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đã đạt trên 2.178 tỷ đồng trong năm 2024. Huyện đang triển khai đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đô thị” giai đoạn 2025-2030, nhằm thúc đẩy nông nghiệp sạch, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản từ đó mở ra những không gian sinh thái xanh, sạch.
Ngoài ra, Đông Anh tăng cường kiểm tra, giám sát các mô hình sản xuất nông nghiệp, tập trung định hướng phát triển các mô hình hữu cơ, sinh thái. “Diện tích sản xuất có thể không lớn, nhưng phải ưu tiên nguồn lực, cơ chế cho các mô hình xanh, thân thiện môi trường”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.