Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gian nan xuất khẩu thủy sản

Sơn Tùng| 15/11/2017 07:06

(HNM) - Xuất khẩu thủy sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, những rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang khiến ngành Thủy sản gặp nhiều khó khăn.


Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 7 tỷ USD, chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm ngư nghiệp của cả nước. Giá trị xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm 2017 đạt khoảng 6,73 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2016. Mục tiêu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt khoảng 11 tỷ USD.

Tuy nhiên mới đây, Liên minh Châu Âu (EU) đã quyết định rút "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân, quy định này đã tác động tới hoạt động xuất khẩu thủy sản như: Các lô hàng bị tăng tần suất kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sản phẩm khai thác nhập khẩu từ Việt Nam (có thể lên đến 100%), dẫn đến thời gian lưu kho tăng, phát sinh chi phí kiểm tra, chi phí lưu kho đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Liên minh Châu Âu...

Ông Dương Quốc Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam thông tin: Thời gian gần đây, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ và EU liên tục sụt giảm. Nguyên nhân, tại thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam gặp khó khăn do sự cạnh tranh của các sản phẩm cá da trơn khác; đồng thời "vấp" phải các rào cản thương mại khi các mức thuế áp chống bán phá giá ngày càng tăng. Theo kết quả nghiên cứu từ Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT), mức thuế chống bán phá giá của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) của Mỹ là 2,39 USD/kg, cao gấp 3 lần so với POR12. Gần đây, cá tra tiếp tục "vấp" phải các rào cản kỹ thuật quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Mỹ (các tiêu chuẩn theo Đạo luật Nông trại của Mỹ-Fambill). Áp dụng đạo luật này, Mỹ tiến hành kiểm tra 100% sản phẩm cá tra nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, khiến cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ mất nhiều thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp... Bởi vậy, trong 10 tháng năm 2017, việc xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đã giảm khoảng 6%.

Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Nguyễn Hoài Nam, EU là thị trường "khó tính". Mỗi khi bị "thẻ vàng" từ thị trường này, các nước xuất khẩu thủy sản sẽ vô cùng khó khăn trong việc trở lại. Trong vòng vài tháng để thực hiện toàn bộ quy trình phòng chống khai thác bất hợp pháp là rất khó cho doanh nghiệp. Bởi hiện nay có nhiều tàu nhỏ khai thác, đánh bắt nguồn nguyên liệu phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Những loại tàu này không có số hiệu, không có giấy phép đánh bắt, khai thác... nên rất khó khi truy xuất chứng từ cho nguyên liệu. Cách giải quyết nhanh nhất thời điểm này là đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng tàu đánh bắt, khai thác nhỏ tham gia hợp tác xã khai thác để có thể dễ dàng thu mua nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc.

Để hỗ trợ xuất khẩu thủy sản, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cho biết, đơn vị đang gấp rút triển khai, báo cáo Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp, trang bị thiết bị theo dõi hành trình cho tàu cá, tổ chức đoàn đàm phán để EU hiểu và ghi nhận các nỗ lực của Việt Nam, tiến tới đề nghị rút lại "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam.

Về chiến lược, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Ngay sau khi Luật Thủy sản sửa đổi được Quốc hội thông qua, Bộ NN& PTNT sẽ khẩn trương xây dựng các văn bản dưới luật để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Thủy sản sửa đổi, nhằm đáp ứng được khung pháp lý về quản lý nghề cá theo yêu cầu của EU... Ngoài ra, Bộ sớm hoàn tất thủ tục gia nhập Hiệp định Đàn cá di cư của Liên hợp quốc và Hiệp định Biện pháp quốc gia có cảng của FAO. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục chỉ đạo các địa phương ven biển xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí nguồn lực, kinh phí triển khai kế hoạch hành động quốc gia về chống khai thác bất hợp pháp; đồng thời, tích cực mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới... nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng trong xuất khẩu thủy sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan xuất khẩu thủy sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.