(HNM) - Liệu sự thay đổi có giải quyết được những bất cập trong thực tiễn, hay lại
Trước đề xuất này, dư luận đặt câu hỏi: Liệu sự thay đổi có giải quyết được những bất cập trong thực tiễn, hay lại "vẽ đường cho hươu chạy".
Ảnh minh họa. Nguồn: Google |
Nữ giới có thể được kết hôn từ 16 tuổi
Trước đề xuất táo bạo của Bộ Tư pháp: Quy định tuổi kết hôn của cả nam và nữ là "đủ 18 tuổi trở lên" thay vì nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên như quy định hiện hành, Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cùng Bộ Tư pháp, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức hai hội nghị khu vực phía Bắc và phía Nam xin ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan. Nhiều cuộc tọa đàm với các chuyên gia pháp luật cũng được tổ chức. Đa số đại biểu Quốc hội và người được hỏi ý kiến đều đồng tình. Kết quả khảo sát ở nhiều địa phương còn cho thấy, hiện tuổi kết hôn trung bình của nam, nữ đều cao hơn so với quy định trong dự thảo luật. Việc quy định độ tuổi kết hôn của cả nam và nữ đủ 18 tuổi chỉ là độ tuổi tối thiểu, thể hiện sự bình đẳng về quyền của cả hai giới. Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng thống nhất với quy định về độ tuổi kết hôn như dự thảo luật. Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội triển khai theo hướng này bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về tuổi thành niên, nguyên tắc bình đẳng giới, vừa nhằm thực hiện cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Riêng đề xuất quy định "ngoại lệ" được kết hôn đối với trường hợp nữ chưa đủ 18 tuổi thì kèm điều kiện chặt chẽ như: Giảm tối đa không quá 2 tuổi, được hai bên gia đình công nhận hoặc được sự đồng ý của người giám hộ, đã có con chung... Thực tế hiện nay, ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người vẫn kết hôn dưới độ tuổi quy định mà không xử lý được. Đơn cử tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa) nữ chỉ 14-15 tuổi đã có nhiều con; thậm chí có chủ tịch xã gần 40 tuổi có đến 9 con. Trên cơ sở khảo sát, Chính phủ sẽ hướng dẫn một số vùng, miền có tập quán kết hôn sớm được kết hôn từ đủ 16 tuổi, giúp bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, đặc biệt là trẻ em được sinh ra trong trường hợp này.
Cần nghiên cứu kỹ "ngoại lệ"
Thống kê về việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua cho thấy, bên cạnh ý kiến tán thành phương án nam, nữ đủ 18 tuổi trở lên có thể kết hôn, vẫn còn không ít kiến nghị giữ như luật hiện hành (nữ từ 18 tuổi, nam từ 20 tuổi trở lên). Một số ý kiến còn đề nghị nâng tuổi với cả hai giới lên mức nữ từ đủ 18 tuổi, nam đủ 20 tuổi vì cho rằng làm luật phải theo xu hướng tiến bộ. Điều đó cho thấy, vấn đề nêu trên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi áp dụng rộng rãi. Trên thực tế, tuổi kết hôn ngày càng tăng thì không có cớ gì luật lại tính đến việc "kéo xuống". Bộ Tư pháp muốn bảo vệ quan điểm của mình cũng cần cung cấp thêm số liệu, căn cứ khoa học giải trình để Quốc hội có cơ sở quyết định phương án hợp lý nhất trong các kỳ họp tới.
Với đề xuất nữ giới ở một số vùng, miền có thể kết hôn từ 16 tuổi thì càng phải thận trọng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường lý giải: Luật hiện hành đang quy định tuổi kết hôn với nữ theo hướng 17 tuổi + 1 (tức chỉ cần qua sinh nhật 17 tuổi, dù chỉ 1 ngày). Như vậy, dù có hạ tuổi kết hôn với nhiều trường hợp nữ xuống 16 tuổi ở khu vực cho phù hợp với phong tục kết hôn sớm… thì thực tế cũng chỉ là hạ xuống 1 tuổi chứ không phải hạ tới 2 tuổi như nhiều quan điểm phản ứng. Song, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, quy định này sẽ xung đột với pháp luật về quyền trẻ em và cần phải giữ quy định về độ tuổi kết hôn. "Sửa luật là nhằm cho phụ nữ hạnh phúc hơn nên tôi không tán thành việc hạ tuổi, những nơi còn thấp thì phải nâng lên. Nếu chưa đủ cơ sở thì vẫn giữ nguyên như hiện hành" - ông Phan Trung Lý bày tỏ.
Mặt khác, thực tế cũng cho thấy, việc xác định tuổi kết hôn phải dựa trên cơ sở tâm sinh lý của người kết hôn. Ở lứa tuổi 16, tâm sinh lý của trẻ chưa trưởng thành, kỹ năng sống chưa có nhiều, chưa đủ điều kiện để thực hiện tốt vai trò người mẹ, người vợ. Từ đó, gia đình dễ nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Xét về mặt y học, phụ nữ dưới 18 tuổi chưa phát triển hết để có thể sinh con. Đặc biệt, nếu mang thai ở độ tuổi 16, tiên lượng số ca đẻ khó, tai biến sản khoa, số trường hợp mổ đẻ sẽ tăng… Trong trường hợp này, việc hạ độ tuổi kết hôn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.