Gia đình

Hệ lụy từ... kết hôn muộn

Thu Trang 11/12/2024 - 06:46

Kết hôn muộn đang trở thành xu hướng phổ biến trong xã hội hiện đại, nhất là ở các đô thị lớn. Tuy nhiên, việc kết hôn muộn lại kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản cũng như chất lượng dân số trong tương lai.

ket-hon-muon.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tư vấn cho một cặp vợ chồng nhiều tuổi bị hiếm muộn.

Tỷ lệ vô sinh cao gấp 2-3 lần

Dù đã 30 tuổi nhưng chị Đ.P.A, nhân viên marketing tại một công ty lớn ở Hà Nội thừa nhận bản thân chưa nghĩ đến chuyện kết hôn. Chị A cho rằng, hiện tại bản thân đã đủ bận rộn với công việc, rèn luyện sức khỏe, tụ tập bạn bè vào cuối tuần hay đi du lịch đây đó... Mục tiêu mà chị A hướng tới là có nền tảng kinh tế vững vàng, bản thân có thể phát triển toàn diện, sau đó mới nghĩ đến việc tìm kiếm bạn đời.

Chưa chuẩn bị tâm lý, muốn ổn định tài chính, tập trung cho sự nghiệp hay thích được tự do... là lý do khiến nhiều người trẻ hiện nay có xu hướng kết hôn muộn. Thế nhưng, theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Phúc, Khoa Nam học (Bệnh viện trung ương Quân đội 108), việc kết hôn muộn kéo theo những hệ quả đáng lo ngại, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ. Đơn cử như ở nữ giới, sau tuổi 35, số lượng và chất lượng trứng suy giảm nhanh chóng, làm giảm tỷ lệ thụ thai tự nhiên, nguy cơ sảy thai cũng tăng lên. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ trong độ tuổi 35-40 có nguy cơ sảy thai cao gấp đôi so với phụ nữ dưới 30 tuổi. Còn với nam giới, chất lượng tinh trùng cũng giảm dần theo tuổi khiến khả năng thụ thai tự nhiên giảm đáng kể, đặc biệt khi người vợ cũng lớn tuổi.

Không chỉ vậy, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm, việc kết hôn muộn còn làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh lý sinh sản. Ở phụ nữ, các bệnh lý phổ biến bao gồm: Lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, u xơ tử cung… Ngoài ra, phụ nữ lớn tuổi mang thai có nguy cơ cao bị tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, hoặc sinh non. Đối với đàn ông khi kết hôn và sinh con muộn có thể đối mặt với các vấn đề như suy giảm nồng độ hormone testosterone, giãn tĩnh mạch thừng tinh, hoặc viêm nhiễm đường sinh dục, ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản và sức khỏe tổng thể.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ vô sinh ở các cặp đôi kết hôn muộn cao gấp 2-3 lần so với các cặp đôi kết hôn sớm hơn. Thăm khám cho nhiều cặp đôi kết hôn muộn và vất vả trong quá trình tìm kiếm con, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết, khi bỏ lỡ “thời điểm vàng” của sinh sản, việc mang thai tự nhiên sẽ trở nên khó khăn hơn. Lúc này, người phụ nữ sẽ phải tìm đến các trung tâm hỗ trợ sinh sản và đối mặt với nhiều vấn đề về tài chính, sức khỏe, thời gian và tâm lý. Vì vậy, thời điểm tốt nhất để sinh nở đối với nữ giới là khoảng 25-30 tuổi. Khi đó, cơ quan sinh sản, nội tiết và dự trữ buồng trứng đang ở giai đoạn tốt nhất.

Nên kết hôn, sinh con trước tuổi 30

Xu hướng người trẻ kết hôn muộn, thậm chí không muốn kết hôn có thể dẫn đến hệ lụy là Việt Nam phải đối diện với nguy cơ dân số suy giảm. Theo chuẩn quốc tế, mức sinh thay thế trung bình của một phụ nữ ở độ tuổi kết hôn là 2,1 con. Thế nhưng, theo báo cáo của Cục Dân số (Bộ Y tế), tổng tỷ suất sinh năm 2023 trên toàn quốc là 1,96 con/phụ nữ; trong đó, Đông Nam Bộ chỉ còn 1,47 con/phụ nữ vào năm 2023 và Đồng bằng sông Cửu Long còn 1,54 con/phụ nữ. Đây là mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Nếu không có các giải pháp thì đến giai đoạn 2054-2059, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm và giảm ngày càng nhanh, để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…

Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, tổng tỷ suất sinh của thành phố năm 2023 là 1,32 con/phụ nữ. Để giải quyết tình trạng mức sinh thấp, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa đề xuất hỗ trợ 3 triệu đồng khi phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi. Mức hỗ trợ này được tính toán dựa trên chi phí y tế khi mang thai và sinh con.

Còn tại Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Dân số (Sở Y tế Hà Nội) Vũ Duy Hưng cho rằng, nam và nữ không nên kết hôn muộn, qua 35-40 tuổi mới tính đến chuyện sinh con thì có thể gặp nhiều bất lợi như: Nuôi con khó khăn hơn, khả năng thông minh kém hơn, dị tật bẩm sinh xác suất nhiều hơn… Do đó, trong năm 2024, Chi cục Dân số Hà Nội phối hợp các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về Luật Hôn nhân và gia đình, tầm soát, khám sàng lọc cho nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn, đồng thời, tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên tại cộng đồng…

Dưới góc độ bác sĩ điều trị liên quan đến các vấn đề về sinh sản, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thành Trung đưa ra lời khuyên, phụ nữ nên kết hôn và sinh con trước 30 tuổi, con thứ hai có thể sinh sau 4-5 năm. Việc kết hôn và sinh con đúng độ tuổi không chỉ giúp sinh ra những đứa con khỏe mạnh, mang lại một gia đình hạnh phúc mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hệ lụy từ... kết hôn muộn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.