(HNM) - Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và dịch bệnh trên đàn vật nuôi, song các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi ở nước ta vẫn nỗ lực tăng tổng đàn, cung cấp lượng lớn thịt các loại cho thị trường. Nhờ đó, những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tuy nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao nhưng nguồn cung vẫn được bảo đảm, với giá cả tương đối ổn định.
Thời điểm này, đàn gia súc, gia cầm giảm đáng kể do phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết. Do đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi đang tập trung tái đàn. Nhiều hộ đang đẩy mạnh việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tìm mua con giống, phát triển đàn mới...
Việc tái đàn sau Tết có ý nghĩa quan trọng đối với việc ổn định hoạt động chăn nuôi và chủ động về nguồn cung thực phẩm cho thị trường. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp; bệnh Dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm... tuy đã được kiểm soát nhưng nguy cơ luôn hiện hữu. Vì vậy, để bảo đảm an toàn dịch bệnh, thực hiện tốt việc tái đàn, ngành chăn nuôi, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi cần triển khai đồng bộ các giải pháp.
Trước hết, ngành chăn nuôi và các địa phương cần thực hiện tốt việc rà soát, thống kê số lượng, sản lượng, đánh giá cơ cấu đàn gia súc, gia cầm làm cơ sở xây dựng kế hoạch, tránh tái đàn tự phát, ồ ạt, không sát với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; rà soát các đối tượng vật nuôi, nhất là nguồn giống, qua đó giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý kịp thời các ổ dịch không để lây lan ra diện rộng. Đặc biệt, cần có giải pháp nhằm hạ giá thức ăn chăn nuôi, gỡ khó cho các hộ chăn nuôi; tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi mua con giống ở những địa chỉ có uy tín được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sản xuất con giống. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi áp dụng những biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tiêu chuẩn VietGAP, tham gia các chuỗi liên kết để phát triển chăn nuôi mang tính bền vững...
Hiện đang là thời điểm giao mùa, lạnh, ẩm làm giảm sức đề kháng đàn vật nuôi, nên ngoài việc nhanh chóng ổn định, khôi phục đàn vật nuôi thì cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt những khuyến cáo của ngành chăn nuôi, đó là trước khi tái đàn, thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại bằng vôi bột, dung dịch sát khuẩn… để tiêu diệt mầm bệnh; tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình chăn nuôi. Đặc biệt, vào những thời điểm thời tiết thay đổi đột ngột, cần bổ sung vitamin, men tiêu hóa... giúp nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Việc tái đàn chăn nuôi là cần thiết để bảo đảm nguồn cung cho thị trường sau Tết, song người chăn nuôi cần thận trọng và có kế hoạch cụ thể trong công tác tái đàn, chỉ nên tái đàn khi bảo đảm các điều kiện an toàn sinh học để phòng dịch bệnh; nghiên cứu kỹ thông tin, theo dõi tín hiệu thị trường để chủ động kế hoạch sản xuất, không tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi ồ ạt dẫn đến nguồn cung vượt quá nhu cầu thị trường.
Chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, việc tái đàn chăn nuôi sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi; đóng góp vào tăng trưởng của ngành chăn nuôi nói riêng, ngành Nông nghiệp nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.