(HNM) - Những ngày qua, thời tiết tại các tỉnh miền Bắc nước ta - trong đó có Thủ đô Hà Nội - đã bước vào cao điểm nắng nóng đầu tiên trong năm với nền nhiệt ngoài trời có lúc vượt ngưỡng 40 độ C. Không chỉ làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, nắng nóng gay gắt còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân, nhất là trẻ em và người già có bệnh nền do sức đề kháng kém.
Ngay trong đợt nắng nóng diễn ra mới đây, lượng người dân nhập viện đã gia tăng đột biến. Trong đó, người lớn thường bị đột quỵ, sốc nhiệt…; còn trẻ nhỏ bị viêm phổi, tiêu chảy, sốt vi rút…
Trước tình hình đó, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế để vừa đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, vừa bảo vệ sức khỏe cho người bệnh và người nhà bệnh nhân; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Dự báo thời tiết năm nay diễn biến khó lường và từ nay đến hết mùa hè còn xuất hiện nhiều đợt nắng nóng gay gắt. Một điều gần như thành quy luật, cứ mỗi đợt nắng nóng kéo dài, số lượng bệnh nhân nhập viện lại gia tăng, nên luôn đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở y tế là phải chủ động phương án khám, chữa bệnh tốt nhất.
Theo đó, các bệnh viện cần tiếp tục thực hiện tốt các hướng dẫn y tế về phòng, chống nắng nóng kết hợp chặt chẽ với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, chủ động phương án chống quá tải tại khu vực khám bệnh như tăng bàn khám, bàn thu viện phí, cải tiến quy trình thủ tục, khám bệnh theo lịch hẹn... Bên cạnh đó là bảo đảm đủ cơ số thuốc, giường bệnh, sẵn sàng các phương tiện cấp cứu, xử lý kịp thời trường hợp cấp cứu...
Ngành Y tế phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông giúp người dân hiểu để phòng tránh tác hại do nắng nóng gây ra đối với sức khỏe. Trong đó, cần chú trọng tuyên truyền tới các đối tượng dễ tổn thương như người già, phụ nữ có thai, trẻ em, công nhân làm việc ở môi trường có nhiệt độ cao, người lao động ngoài trời, người mắc các bệnh mạn tính…
Cùng với sự vào cuộc của ngành Y tế và các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bằng việc trang bị kiến thức, chủ động các biện pháp phòng bệnh hiệu quả; tích cực vệ sinh môi trường khu dân cư, giữ gìn vệ sinh nhà ở, vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời thường xuyên rèn luyện sức khỏe, có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
Một vấn đề cần lưu ý nữa là trong những ngày nắng nóng, việc sử dụng điều hòa cũng cần để nhiệt độ không chênh lệch quá cao so với môi trường bên ngoài, chỉ nên đặt 25-27 độ C. Bởi, sự chênh lệch nhiệt độ lớn rất dễ dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm như sốc nhiệt, đột quỵ… Vào buổi trưa, người dân cần thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, hạn chế tối đa việc ra ngoài đường. Nếu buộc phải ra ngoài, cần trang bị đầy đủ quần áo và đồ dùng bảo hộ phòng, chống nắng nóng phù hợp...
Việc tích cực vào cuộc của ngành Y tế và các cơ quan liên quan cùng sự chủ động tự bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân trong mùa hè này sẽ góp phần giảm tình trạng quá tải đang "nóng" lên cùng thời tiết tại các bệnh viện. Qua đó giúp các bệnh viện nâng cao chất lượng, khám chữa bệnh cho người dân và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.