UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố.
Để triển khai đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với lợi thế, điều kiện thực tiễn và phát triển chung của thành phố về phát triển ngành Dược, kế hoạch xác định 6 nhóm nhiệm vụ.
Trong đó, thành phố sẽ nâng cao chất lượng hoạt động phân phối, cung ứng thuốc bảo đảm người dân có điều kiện tiếp cận, lựa chọn, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, chất lượng với giá hợp lý; bảo đảm bảo thuốc được đáp ứng đầy đủ, kịp thời tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Đáng chú ý, thành phố sẽ quản lý chặt chẽ việc cung ứng, đấu thầu, mua sắm thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trực thuộc; đẩy mạnh, khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trực thuộc.
Cùng với đó, bảo đảm đủ nhân sự làm công tác dược lâm sàng trong các cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường hoạt động thông tin thuốc, dược lâm sàng, theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại các cơ sở y tế; cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, hướng dẫn sử dụng thuốc cho cán bộ y tế và người bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tư vấn về thuốc cho người sử dụng tại các cơ sở bán lẻ thuốc; hoạt động thông tin thuốc. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thuốc và điều trị trong các cơ sở khám chữa bệnh, tăng cường vai trò tham gia của Dược sĩ lâm sàng. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát, cảnh báo khi chỉ định thuốc; quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc.
Thành phố cũng đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, song song với việc đào tạo nâng cao năng lực nhân sự; phát triển Trung tâm Kiểm nghiệm vùng đủ năng lực kiểm soát toàn diện chất lượng các sản phẩm do Bộ Y tế cấp phép và quản lý lưu hành; nâng cao năng lực kiểm nghiệm; tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, dược liệu lưu hành trên thị trường...
Liên quan đến phát triển cây dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thành phố sẽ xây dựng danh mục các loại cây dược liệu ưu tiên phát triển; phát triển và nuôi trồng các giống dược liệu có giá trị y tế và giá trị kinh tế cao; phát triển các vùng trồng dược liệu chuyên canh tập trung gắn với xây dựng hệ thống thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ.
Để thúc đẩy phát triển cây dược liệu, thành phố sẽ tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ thuật cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người sản xuất về công nghệ trồng, chăm sóc, thu hái dược liệu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng và chế biến cây dược liệu theo hướng GACP WHO; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu; xây dựng, duy trì và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; nâng cao năng lực, chất lượng trong khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Ngoài ra, nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về dược theo từng cấp tại địa phương; quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối, cung ứng; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. Xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, phân phối, cung ứng thuốc giả, thuốc kém chất lượng; tăng cường các biện pháp quản lý giá thuốc.
Đi đôi với các nhiệm vụ trên, thành phố sẽ triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình để giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực dược; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý kê đơn, bán thuốc theo đơn, sử dụng thuốc; khuyến khích triển khai các dự án về khoa học và công nghiệp dược trọng điểm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.