(HNM) - “Không tăng tổng biên chế” là mục tiêu mà Thành ủy Hà Nội đặt ra trong Kế hoạch số 05-KH/TU nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thực hiện kế hoạch chung này, trong khu vực các cơ quan chính quyền và trong khối cơ quan Đảng, MTTQ, đoàn thể lại có hai kế hoạch chi tiết hơn. Thực tế cho thấy, việc tinh giản, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ luôn là vấn đề khó và hết sức nhạy cảm do liên quan trực tiếp tới con người. Mục tiêu tinh giản biên chế cho cả nước đến năm 2021 là 10% và để đạt được con số này cần có lộ trình cụ thể, đồng thời các giải pháp triển khai phải vừa thận trọng, vừa bài bản.
Hà Nội là địa phương có tính đặc thù cao, thậm chí ở cấp phường cũng có cán bộ đạt trình độ thạc sĩ nên nếu chỉ căn cứ theo tiêu chuẩn "cứng" về trình độ đại học, lý luận chính trị thì rất khó cho việc tinh giản. Hơn nữa, Hà Nội là Thủ đô đang trên đường phát triển nên khối lượng công việc nhiều hơn so với các địa phương khác. Nói như vậy không phải là kể khó mà ngược lại, từ việc xác định rõ, đánh giá đúng những bất cập, khó khăn sẽ tạo ra bước chuyển hiệu quả, tích cực, phù hợp. Trước mắt, cần có đánh giá cụ thể từng đối tượng tinh giản biên chế, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thời gian qua, các cơ quan báo chí, truyền thông đã bàn luận nhiều về tình trạng cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng trăn trở: "Đất nước 90 triệu dân mà trả lương 11 triệu người, trong khi công chức hành chính trên 2,5 triệu người". Nói vậy để hiểu việc tinh giản biên chế là yêu cầu cấp thiết và hướng tới nhiều ý nghĩa phát triển sâu sắc. Trên tinh thần ấy, Hà Nội đã xác định khá rõ trong các kế hoạch thực hiện rất cụ thể ở từng khối mà mục tiêu chung là sẽ tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị gắn với hoàn thiện, bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp. Trước mắt, giữ ổn định tổ chức như hiện nay, không thành lập các tổ chức trung gian.
Cũng phải thấy rằng tinh giản biên chế không đơn giản chỉ là con số giảm về cơ học mà quan trọng hơn đó là năng lực, hiệu quả thực tế. Vấn đề đặt ra là các cấp, các ngành phải kiên quyết tinh giản những cán bộ nhiều năm không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân.
Dù là việc khó, nhưng cần xác định khó mấy cũng phải làm cho được. Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập từ thành phố đến cơ sở phải xây dựng kế hoạch tinh giản cụ thể đến năm 2021. Mặt khác, tinh giản thực sự phải là sàng lọc, loại bỏ những cán bộ, công chức, viên chức không đủ năng lực, giảm bớt đầu mối, vị trí không cần thiết trong bộ máy. Trên cơ sở tiêu chuẩn chung được Trung ương quy định, thành phố và các cấp, ngành cần cụ thể hóa đối với các chức danh, chức vụ công chức, viên chức thuộc cấp mình quản lý theo hướng chú trọng phẩm chất, trình độ, năng lực. Cải tiến phương thức, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý theo hướng đề cao trách nhiệm của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, quyết định trên cơ sở tiêu chuẩn, điều kiện và kết quả công việc.
Cùng với đó là đòi hỏi xây dựng được cơ chế thu hút người có tài năng, các chuyên gia, nhà khoa học nhằm tạo nguồn cán bộ; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gắn với tiêu chuẩn chức danh. Khi chất lượng cán bộ được nâng lên thì hiệu quả công việc sẽ tốt hơn, nhu cầu nhân sự sẽ giảm. Phải xác định, tinh giản là để “giảm lượng, tăng chất”, để thanh loại dần những công chức yếu kém cả về năng lực lẫn tinh thần trách nhiệm!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.