(HNMCT) - Với nhiều nội dung sửa đổi, hoàn thiện theo hướng tăng tính trách nhiệm cho nghệ sĩ, đơn vị tổ chức biểu diễn, đơn vị sản xuất..., nhà nước tăng cường quản lý bằng phương thức hậu kiểm, các quy định trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, hoạt động điện ảnh... đang cho thấy cách tiếp cận phù hợp với thực tiễn và xu thế thời đại.
“Nới” nhiều quy định
Từ ngày 1-2 tới đây, các thí sinh thi người đẹp, hoa hậu quốc tế sẽ không cần phải có danh hiệu trong nước. Giờ đây, với quy định mới tại Điều 19, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ có liên quan tới hoạt động nghệ thuật biểu diễn, người đẹp Việt Nam sẽ dễ dàng hơn trên con đường chinh phục các đấu trường nhan sắc quốc tế. Theo đó, người đẹp muốn ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu thì chỉ cần bảo đảm 3 điều kiện: Thứ nhất là có giấy mời của tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi; thứ hai là không ở trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; thứ ba, không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tiêu chí phải có giải thưởng chính thức tại các cuộc thi nhan sắc trong nước - trước đây được coi là “màng lọc” để chọn ra ứng viên xứng đáng đại diện cho vẻ đẹp Việt - đã được bỏ vì không còn phù hợp với thực tiễn. Rõ ràng, quan điểm về các cuộc thi nhan sắc cũng đã thay đổi. Các cuộc thi nhan sắc trên thế giới ngày càng rộng mở và thí sinh chỉ cần bảo đảm được tiêu chí của cuộc thi là được quyền tham gia.
Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các người đẹp vươn ra đấu trường nhan sắc quốc tế, một số hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong nước cũng được áp dụng phương thức quản lý cởi mở hơn. Chẳng hạn, Nghị định 144/2020/NĐ-CP cũng đã bỏ quy định cấm nghệ sĩ hát nhép, đàn nhái. Theo ông Nguyễn Thu Đông, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý biểu diễn và bản ghi âm ghi hình (Cục Nghệ thuật biểu diễn), nghị định mới bỏ điều cấm này và một số điều cấm khác vì các điều cấm cụ thể trong nghị định cũ đã không còn phù hợp với tình hình, yêu cầu quản lý mới. Nghị định mới được xây dựng trên tinh thần tăng quyền và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi tham gia các hoạt động xã hội, giảm những điều cấm đoán, tăng hậu kiểm, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý.
Trong Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đề xuất điều chỉnh một số điều khoản không còn phù hợp với tình hình mới theo hướng thông thoáng, cởi mở hơn. Chẳng hạn như việc giao quyền thẩm định phim cho các đơn vị sản xuất, tăng cường phương thức quản lý theo phân loại độ tuổi, hậu kiểm... Trong đó, với việc phổ biến phim trên mạng tại Việt Nam, Dự thảo đề xuất 2 phương án là tiền kiểm (phim phải được cấp phép trước khi phổ biến) và hậu kiểm (phim phát hành chỉ cần không vi phạm điều cấm của Luật Điện ảnh...).
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông: “Trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội đạt được nhiều thành tựu lớn về mọi mặt, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, cùng với hội nhập quốc tế sâu rộng và đặc biệt là đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp, qua đó hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh”.
Đề cao trách nhiệm của nghệ sĩ
Việc “nới” quy định nói trên được những người làm nghề và công chúng ủng hộ bởi trong thực tiễn hoạt động hiện nay, nghệ sĩ không chỉ bị ràng buộc bởi quy định pháp luật mà còn gắn sự “sống còn” của mình với công chúng, khán giả. Khán giả cũng chính là những giám khảo công tâm, người thực thi “phương pháp hậu kiểm” tốt nhất bởi chính họ là người nuôi sống nghệ sĩ.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực thi người đẹp, người mẫu, mặc dù không cần yêu cầu có danh hiệu trong nước thì mới được tham gia các cuộc thi ở nước ngoài như trước, song các quy định kèm theo cũng đòi hỏi mỗi người đẹp trước tiên phải là một công dân tốt, bảo đảm tư cách nghệ sĩ, tư cách nghề nghiệp và phải xứng đáng để được mời tham gia những cuộc thi uy tín. Và, trước thái độ ngày càng quyết liệt của công chúng đối với loại danh hiệu mang tính “mua bán” hay những cuộc thi kém uy tín, người đẹp chắc chắn phải tỉnh táo, cân nhắc kỹ hơn trong lựa chọn hướng đi.
Hay trước sự lo ngại về việc bỏ quy định cấm hát nhép, đàn nhái có thể làm giảm chất lượng chuyên môn của các chương trình biểu diễn, khiến nghệ sĩ dễ dàng lừa dối khán giả, ông Nguyễn Thu Đông cũng chia sẻ: Mỗi nghệ sĩ biểu diễn phải có trách nhiệm với chính uy tín của mình và với khán giả. Thực tế đã chứng minh, nhiều nghệ sĩ đã buộc phải dừng lại trên con đường ca hát hoặc không được chấp nhận tham dự những sân chơi lớn khi việc hát nhép bị phát hiện. Tuy nhiên, trong nhiều chương trình, để bảo đảm chất lượng âm thanh đủ đáp ứng yêu cầu truyền hình trực tiếp, từ trước tới nay nhà tổ chức vẫn ngầm đồng ý cho ca sĩ hát nhép hoặc sử dụng âm thanh thu sẵn. Nhạc sĩ Thanh Bình có lý khi nhận định rằng, việc bỏ quy định hát nhép là phù hợp với thị trường âm nhạc hiện tại vốn có rất nhiều sự thay đổi. "Quy định mới giúp các nghệ sĩ dễ dàng lựa chọn phong cách trình diễn phù hợp và người nghe sẽ tự có sự sàng lọc của mình" - nhạc sĩ Thanh Bình nói.
Hướng tới phương pháp quản lý hiệu quả hơn
Sự thay đổi kể trên cho thấy nỗ lực của các cơ quan quản lý văn hóa trong việc tham mưu hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng nâng cao tính hiệu quả, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, phù hợp với xu thế thời đại.
Chẳng hạn, với lĩnh vực điện ảnh, bà Phương Lan, chuyên viên Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, đánh giá: “Sau 14 năm thi hành, Luật Điện ảnh đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho công tác quản lý và sự phát triển điện ảnh. Vì vậy, qua giai đoạn thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Bộ Tư pháp cho rằng, việc xây dựng Luật Điện ảnh thay thế cho luật hiện hành nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung, phát triển nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói riêng; đồng thời tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường điện ảnh và công nghiệp điện ảnh phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hết sức cần thiết”.
Còn với những nội dung mới trong Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đánh giá, với những quy định mới, Cục sẽ chuyển từ tiền kiểm (kiểm tra trước sự kiện) sang hậu kiểm (kiểm tra sau sự kiện) là chủ yếu. Việc hậu kiểm cũng không nhằm "bắt lỗi" mà để tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Tất nhiên, những đơn vị, cá nhân vi phạm vào các điều cấm sẽ bị xử lý nghiêm. Cơ quan quản lý nhà nước cũng kỳ vọng, những quy định mới này sẽ góp phần giúp công chúng được thưởng thức đầy đủ nhất những tác phẩm hay, có ý nghĩa, lành mạnh.
Sự vận động không ngừng của đời sống luôn tạo ra những tình huống mới cho câu chuyện quản lý và đây là bài toán không dễ giải. Hiệu quả của những quy định mới sẽ như thế nào cũng cần có thời gian và sự trải nghiệm thực tế mới giải đáp được, nhưng rõ ràng những gì đang diễn ra cho thấy sự nỗ lực hướng tới mục tiêu tạo ra sự thông thoáng nhất, tạo cơ hội tốt nhất cho các nghệ sĩ tự khẳng định mình và tự chịu trách nhiệm trước công chúng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Việc đầu tiên và quan trọng nhất đối với điện ảnh Việt Nam hiện nay là phải thu hút được khán giả. Chính khán giả Việt Nam sẽ quyết định những giá trị Việt nào cần được đưa vào bộ phim, thông qua việc lựa chọn có xem hay không xem phim của mình. Chính các nhà làm phim sẽ phải tìm cách khai thác những giá trị này, để có thể thu hút nhiều khán giả hơn. Làm thế nào để điện ảnh Việt Nam thu hút được khán giả khi phải cạnh tranh khốc liệt với các nhà làm phim nước ngoài, với các loại hình thay thế khác hiện nay? Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng có ba giải pháp cần được chú trọng từ việc xây dựng Luật Điện ảnh lần này. Thứ nhất là bảo vệ tối đa quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ. Thứ hai là bảo vệ tài sản trí tuệ của nhà làm phim. Thứ ba là tạo hệ sinh thái để các nhà làm phim Việt phát triển.
Nghệ sĩ ưu tú Lê Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam:
Việc xây dựng Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có quy định về việc phổ biến phim trên không gian mạng theo tôi là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế và sẽ là định hướng cho thời gian tiếp theo. Thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ quy định nên đã gây rủi ro cho người sử dụng tại Việt Nam. Do các nội dung không được biên tập, kiểm duyệt nên đã xuất hiện nội dung vi phạm nghiêm trọng các điều cấm tại Luật Báo chí, Luật Điện ảnh, xuyên tạc lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, làm sai lệch chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt các nội dung xấu độc gây hại đến trẻ em... Nhiều doanh nghiệp không có cam kết với người sử dụng về chất lượng dịch vụ dù đã thu tiền trước (không nộp thuế), khi chất lượng kém, thậm chí mất dịch vụ thì người sử dụng không được bảo vệ... Chúng ta cần sớm bổ sung quy định để quản lý tận gốc các nội dung vi phạm, đảm bảo quyền lợi người sử dụng tại Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.