Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết vướng mắc từ cơ sở

Nguyên Hoa| 03/01/2018 07:56

(HNM) - Sự ra đời của nhóm nòng cốt ở khu dân cư dưới sự chỉ đạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn đã phát huy hiệu quả trong thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, góp phần giúp cấp ủy, chính quyền giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở.


Xử lý kịp thời các vướng mắc

Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, đồng thời trang bị kiến thức pháp luật cho nhân dân, MTTQ thành phố đã thành lập nhóm nòng cốt ở khu dân cư theo Đề án 02-212 (Đề án “Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư”) do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triển khai. Hiện nay, toàn thành phố có hơn 5 nghìn nhóm nòng cốt với gần 36 nghìn thành viên. Mỗi nhóm có từ 5 đến 10 thành viên. Thành viên nhóm nòng cốt là trưởng ban công tác mặt trận, trưởng thôn, trưởng các ngành, đoàn thể… là những người có trình độ, hiểu biết pháp luật, có uy tín tại khu dân cư.

Cán bộ MTTQ tổ dân phố 6, phường Quang Trung (quận Hà Đông) triển khai công tác giữ gìn an ninh trật tự. Ảnh: Thái Hiền



Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, các nhóm nòng cốt ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật và giúp người dân thực hiện nghiêm những quy định của Nhà nước và địa phương. Theo ông Nguyễn Xuân Long, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cấn Hữu, xã có 6 nhóm nòng cốt đang hoạt động rất hiệu quả đã giúp giảm các vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân, hạn chế vi phạm pháp luật và không có khiếu kiện vượt cấp.

Năm 2017, xã Cấn Hữu có khoảng 100 hộ dân vi phạm hành lang giao thông trên tuyến đê sông Đáy và lấn chiếm đất đai. Để giải quyết tình trạng này, xã đã giao cho các nhóm nòng cốt tuyên truyền, vận động nhân dân. Thông qua lồng ghép vào nội dung các buổi sinh hoạt của từng thôn, nhóm nòng cốt đã tuyên truyền, vận động để người dân thấy được việc lấn chiếm đê là vi phạm pháp luật, tự giác di dời. Bên cạnh đó, xã còn mời cán bộ Phòng Tư pháp của huyện về tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu. Nhờ đó, 90% hộ dân xã Cấn Hữu tự giác chấp hành, không lấn chiếm. Cũng trong năm 2017, nhóm nòng cốt còn hòa giải thành công 8/10 vụ mâu thuẫn trong nhân dân.

Tương tự, ông Hoàng Văn Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh cho biết, trong thời gian qua, các nhóm nòng cốt trên địa bàn huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực như tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho nhân dân, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền giải quyết thỏa đáng, không để xảy ra điểm nóng. Nhờ đó, các vụ việc như tranh chấp đất đai tại thôn Yên Nội (xã Vạn Yên), tại nhà thờ Họ giáo Thạch Đà (xã Thạch Đà); lấn chiếm đất công tại xã Tiền Phong; dự án mở rộng Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước (xã Thanh Lâm); giải phóng mặt bằng tại đường 35 thuộc thị trấn Chi Đông… đều được giải quyết ổn thỏa.

Trên địa bàn phường Ngọc Lâm (quận Long Biên), 29 khu dân cư đều thành lập được nhóm nòng cốt với 145 thành viên. Các thành viên trong nhóm đều là người có uy tín, tâm huyết, am hiểu pháp luật, có khả năng tuyên truyền, thuyết phục tại địa bàn. Với ưu thế đó, các nhóm nòng cốt đã tuyên truyền, vận động nhân dân rất hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. Năm 2017, các nhóm nòng cốt đã lập biên bản hơn 100 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; hòa giải thành công 7/9 vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân; vận động gần 20 trường hợp hỏa táng…

Phát huy vai trò của Mặt trận

Nhằm giúp các nhóm nòng cốt hoạt động tuyên truyền có hiệu quả, hệ thống mặt trận các cấp đã ban hành quy trình hướng dẫn hoạt động, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho các thành viên. Năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức 3 lớp tập huấn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 600 người là trưởng nhóm nòng cốt. Các nhóm nòng cốt của thành phố đã hòa giải thành công 3.120/3.958 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; tổ chức 38 nghìn cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật cho hơn 2,2 triệu người.

Thực tế, việc tổ chức tuyên truyền của các nhóm nòng cốt rất linh hoạt. Ông Nguyễn Văn Long, thành viên nhóm nòng cốt thôn 1 xã Thạch Đà (huyện Mê Linh) chia sẻ: "Chúng tôi thường lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, các hội nghị triển khai, tổng kết của ngành, đoàn thể, các buổi giao lưu, tọa đàm… tạo sự gần gũi và thiết thực với bà con. Bên cạnh đó, định kỳ hằng tháng, quý hay khi có chủ trương, chính sách, quy định mới thì nhóm nòng cốt sẽ tổ chức họp, phân công trách nhiệm và bàn kế hoạch tuyên truyền cụ thể...".

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đánh giá: Các nhóm nòng cốt đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, nhiệm vụ chính trị của cơ sở để tuyên truyền, vận động. Đồng thời, các thành viên trong nhóm luôn lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời những vướng mắc trong nội bộ nhân dân.

Là một trong những “kênh” tuyên truyền hiệu quả của MTTQ ở cơ sở, các nhóm nòng cốt hoạt động hiệu quả góp phần kiềm chế sự gia tăng vi phạm pháp luật; giảm đơn, thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp; ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội. Thông qua hoạt động của nhóm nòng cốt giúp MTTQ đã phát huy được vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết vướng mắc từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.