Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết việc làm cho thanh niên: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Hà Hiền thực hiện| 18/06/2017 07:34

(HNM) - Theo bản tin thị trường lao động Việt Nam, trong quý I năm nay, cả nước còn 7,29% thanh niên, 243 nghìn người có trình độ cao đẳng trở lên thất nghiệp. Dù đã giảm so với quý IV năm 2016 nhưng con số này vẫn cho thấy những bất hợp lý của thị trường lao động, đòi hỏi có nhiều giải pháp đồng bộ trong giải quyết việc làm cho thanh niên, sinh viên.

Đào tạo nghề sẽ giúp thanh niên có việc làm ổn định. Ảnh: Sơn Hà


Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên và nhóm lao động có trình độ cao ở nước ta hiện nay?

- Theo dõi bản tin thị trường lao động, chúng ta có thể thấy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong nhiều quý vừa qua ở mức hơn 7%, cao hơn các nhóm khác, nhưng thấp hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Nhiều nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lên tới 17-20%.

Số người thất nghiệp ở nhóm có trình độ từ cao đẳng trở lên giảm khoảng 100 nghìn người so với quý IV năm 2016, ở nhóm có trình độ trung cấp tăng lên, đó là tín hiệu đáng mừng của thị trường lao động.

- Ông có thể lý giải tại sao tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn ở mức cao?

- Vấn đề này không khó lý giải, bởi thanh niên là nhóm vừa bước vào độ tuổi lao động, vừa tốt nghiệp các trường phổ thông, trường nghề, trường đại học nên cần có thời gian tìm việc làm, làm quen với công việc, chưa kể một số người chưa sẵn sàng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Một lý do nữa là chất lượng đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Đặt trong các mối tương quan so sánh có thể nhận thấy, vấn đề quan trọng nhất của thị trường lao động Việt Nam hiện nay không phải là giải quyết tỷ lệ thất nghiệp, mà là nâng cao chất lượng lao động. Đa số người lao động Việt Nam có việc làm, nhưng năng suất lao động thấp, thu nhập chưa ổn định. Vì thế, các cơ quan chức năng cần quan tâm tạo ra nhiều việc làm có năng suất, chất lượng cao để người lao động có thể nâng cao thu nhập, mức sống.

- Không thể phủ nhận chất lượng lao động có vai trò quan trọng, song tỷ lệ thất nghiệp cao ở nhóm lao động trẻ có thể gây ra hệ lụy cho xã hội. Theo ông, các cơ quan chức năng cần có giải pháp gì để hạn chế tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao chất lượng lao động?

- Đối với bất kỳ nền kinh tế nào, số người trong độ tuổi lao động thất nghiệp ở mức cao cũng gây ra tổn thất cho người lao động và xã hội.Đã có nhiều giải pháp, chính sách giúp người lao động có thêm việc làm, tăng thu nhập như khuyến khích, thu hút đầu tư; cải thiện môi trường kinh doanh; phát động phong trào khởi nghiệp; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề…

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, góp phần tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động có trình độ cao. Phong trào khởi nghiệp phát triển cũng đã khuyến khích nhiều kỹ sư, cử nhân, thanh niên tự tin khởi nghiệp, lập nghiệp… Điều đó lý giải vì sao số người thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên trong những tháng đầu năm 2017 giảm nhiều so với thời gian trước.

Thời gian tới, các nhóm giải pháp kể trên cần được tiếp tục triển khai sâu rộng; đồng thời không thể không đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Tôi được biết nhiều trường đại học trên thế giới thường tổ chức khảo sát, đánh giá sinh viên tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động như thế nào, được tiếp nhận ra sao, từ đó điều chỉnh mối quan hệ giữa cung - cầu lao động sao cho phù hợp. Còn ở nước ta, nhiều cuộc điều tra, nghiên cứu cho thấy, sự phối hợp với các cơ sở giáo dục, đào tạo với doanh nghiệp vẫn lỏng lẻo, dẫn đến việc đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Để gắn cung với cầu lao động, theo tôi phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, công tác thông tin, tuyên truyền cần được tăng cường, tạo điều kiện cho người dân hiểu hơn về thị trường lao động và nhu cầu của thị trường. Trong các nhà trường, việc hướng nghiệp cho học sinh nên được tiến hành từ bậc trung học cơ sở trở lên, giúp học sinh hiểu rõ nhu cầu của thị trường, năng lực của bản thân, từ đó chủ động lựa chọn những công việc phù hợp trong tương lai. Quan trọng hơn, các cơ sở giáo dục, đào tạo và doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ, đa chiều…

- Đối với học sinh, sinh viên, ông muốn nhắn nhủ điều gì?

- Học sinh, sinh viên là lực lượng lao động kế tiếp, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài kiến thức trên giảng đường, sinh viên nên chủ động trang bị cho mình vốn ngoại ngữ, kiến thức thực tế, kiến thức xã hội, kỹ năng thực hành, khả năng làm việc theo nhóm, phương pháp giao tiếp, ứng xử…

Bản thân học sinh và gia đình các em nên theo dõi sát diễn biến của thị trường lao động, hiểu rõ năng lực, thế mạnh của bản thân để lựa chọn cho mình ngành nghề phù hợp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết việc làm cho thanh niên: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.