Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết việc cấp thiết

Thế Đan| 26/03/2023 06:04

(HNM) - Mới đây, một khảo sát của QS Supplies (một tổ chức tại Anh, được Hãng Nikkei Asia dẫn lại) đã xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng tại 69 thành phố du lịch trên thế giới. Theo đó, điều kiện nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chỉ đứng trên Johannesburg (Nam Phi) và Cairo (Ai Cập). Đây là “điểm trừ” rất lớn đối với lĩnh vực du lịch ở hai thành phố lớn mà nhiều năm qua chưa giải quyết được.

Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn 12 quận và thị xã Sơn Tây hiện chỉ mới có chưa đầy 400 nhà vệ sinh công cộng, hầu hết được xây dựng, lắp đặt từ trước năm 1990, tập trung ở 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Cùng với tình trạng thiếu trầm trọng, các “công trình phụ” - theo cách gọi dân gian, lại thường đặt trong các khu dân cư, chất lượng xuống cấp, công tác duy tu, duy trì chưa được coi trọng...

Thực tế, từ nhiều năm trước, UBND thành phố Hà Nội đã có những kế hoạch, đề án nâng cấp, xây mới hệ thống nhà vệ sinh công cộng. Điển hình là cuối năm 2016, thành phố đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Vinasing xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng phục vụ cộng đồng. Đổi lại, đơn vị được phép khai thác quảng cáo trên hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, dự án này chỉ “chạy” được một thời gian và đến nay “bặt vô âm tín”…

Từ thực tế trên cho thấy, việc UBND thành phố Hà Nội mới đây ban hành Công văn số 752/UBND-ĐT về tăng cường công tác quản lý, duy trì và đầu tư xây dựng các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố là rất cần thiết và cấp thiết. Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, trước hết là các quận nội đô và các huyện chuẩn bị chuyển thành quận kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng, kịp thời chỉnh trang, duy tu, duy trì các nhà vệ sinh công cộng hiện có trên địa bàn theo phân cấp quản lý; đề xuất phương án quản lý, duy tu, duy trì bảo đảm hiệu quả, vệ sinh môi trường, văn minh đô thị; rà soát, xem xét sớm đầu tư xây mới nhà vệ sinh công cộng tại các khu vực cần thiết trên địa bàn, bảo đảm hiệu quả, thân thiện với môi trường, đúng quy định.

Bên cạnh việc cho phép đầu tư nhà vệ sinh công cộng mới theo hình thức xã hội hóa, các cấp, ngành chức năng cần quyết liệt hơn trong việc thực hiện phương án cải tạo nhà vệ sinh công cộng cũ, bảo đảm việc sử dụng hiệu quả. Cụ thể, với nhóm nhà vệ sinh cũ hiện ở mặt phố, trong các ngõ, có diện tích lớn sẽ đầu tư xây dựng theo hướng kết hợp tầng 1 sử dụng làm nhà vệ sinh có thu phí, các tầng trên sử dụng làm nhà sinh hoạt cộng đồng... Đối với nhà vệ sinh cũ trong ngõ, có thể xóa bỏ để làm nhà sinh hoạt cộng đồng, hoặc cải tạo và giao trực tiếp cho cụm dân cư, tổ dân phố quản lý, sử dụng nếu còn nhu cầu…

Ngoài ra, cần tuyên truyền, vận động chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý cơ sở kinh doanh trên các tuyến phố trung tâm có đông khách du lịch tạo điều kiện cho người dân và du khách được sử dụng miễn phí nhà vệ sinh như ở thành phố Đà Nẵng và quận 1 (thành phố Hồ Chí Minh) đã, đang thực hiện hiệu quả.

Các nhà chuyên môn đã phân tích nhiều nguyên nhân vì sao du lịch nước ta khó cạnh tranh với Thái Lan, trong đó không thể không nhắc đến câu chuyện nhà vệ sinh công cộng. Mong rằng, trong tương lai không xa, tất cả công viên, tuyến phố của Thủ đô sẽ có thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng hiện đại, mỹ quan… như một nét văn minh, chuẩn mực để phục vụ một nhu cầu của con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết việc cấp thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.