Các quy định về quản lý không gian kiến trúc và xây dựng đô thị trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) còn khái quát, chưa giải quyết được những vấn đề bức xúc đặt ra tại Hà Nội, trong đó có tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo sau thu hồi đất…
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đã nêu quan điểm như vậy khi thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 27-11 vừa qua. Về chính sách quy hoạch và quản lý đô thị, đại biểu Thạch Phước Bình tán thành với nhiều quy định của dự thảo Luật.
Song, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp tục bám sát các yêu cầu về quy hoạch và quản lý đô thị tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để thể chế hóa thành các quy phạm.
Theo đại biểu, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đã phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực, có chương trình, dự án kết nối liên vùng, liên tỉnh phục vụ đa mục tiêu, kết nối hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực của vùng.
Đại biểu cho rằng, việc trao những thẩm quyền vượt trội cho chính quyền thành phố Hà Nội là phù hợp với định hướng, với chính sách thể hiện trong dự án Luật. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị, dự thảo Luật cần tiếp tục quy định cụ thể hơn về phân định nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền.
Đồng thời, khi quy định thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc quyết định mô hình các cơ quan chuyên môn giúp việc được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của dự thảo Luật cần xác định phạm vi các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù, điều kiện tiêu chí thành lập loại hình tổ chức này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.