Để bảo đảm quản trị hiệu quả với sự phát triển nhanh chóng của đô thị, mô hình chính quyền đô thị đang thí điểm áp dụng tại thành phố Hà Nội cần được luật hóa, đồng thời cần định hướng quy định về “thành phố thuộc thành phố” trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Cân nhắc áp dụng đầy đủ mô hình chính quyền đô thị
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định, chính quyền địa phương tại thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở các phường là UBND phường.
Đây là sự kế thừa mô hình đang được thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, đã trải qua quá trình kiểm nghiệm trên thực tiễn và qua sơ kết cho thấy nhiều kết quả tích cực, phù hợp với tình hình, đặc điểm của Hà Nội.
Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn nhưng vẫn được bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc không tổ chức HĐND phường, UBND phường là chính quyền địa phương ở phường, là cơ quan hành chính thuộc UBND quận đã làm cho tổ chức bộ máy chính quyền của quận gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn. Cơ quan hành chính phường đã tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước nhưng vẫn bảo đảm quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân.
PGS.TS Đặng Minh Tuấn (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đặt vấn đề vì sao ở Hà Nội không tổ chức HĐND ở cả quận, phường phù hợp với chính quyền đô thị? Về lý luận, quận là chính quyền đô thị thuộc thành phố, thì cũng cần phải tổ chức theo mô hình chính quyền đô thị không tổ chức HĐND. Về thực tiễn, mặc dù Hà Nội mới thí điểm mô hình tổ chức chính quyền thành phố theo Nghị quyết số 97/1019/QH14 (không tổ chức HĐND phường), nhưng cũng không vì lý do đó mà không mở rộng, không tổ chức HĐND ở cả cấp quận.
“Thực tế, từ ngày 1-7-2021, thành phố Hồ Chí Minh chính thức bỏ HĐND phường sau thời gian kiểm nghiệm trên thực tiễn và cũng có sơ kết cho thấy nhiều kết quả tích cực, phù hợp với tình hình, đặc điểm của mô hình chính quyền đô thị. Chính vì vậy, thành phố Hà Nội nên cân nhắc áp dụng đầy đủ mô hình chính quyền đô thị, đồng thời phù hợp với Luật Thủ đô với tính chất là một văn bản có giá trị lâu dài, ổn định”, PGS.TS Đặng Minh Tuấn nói.
Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Vận tải Hà Nội Vũ Hữu Tuyến cho rằng, quy định về tổ chức chính quyền tại Hà Nội chỉ có những quy định về chính quyền địa phương ở các phường là UBND phường mà không có quy định về chính quyền nông thôn là chưa bảo đảm toàn diện, thống nhất. Do đó, dự thảo Luật nên bổ sung quy định chính quyền tại huyện, xã, thị trấn.
Phân cấp mạnh hơn cho chính quyền “thành phố thuộc thành phố”
Về chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị chưa nên quy định các nội dung quá đặc thù trong dự thảo Luật khi chưa rõ về quy mô, chức năng, định hướng phát triển của các đô thị này.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định theo hướng Chính phủ, HĐND, UBND thành phố Hà Nội xem xét áp dụng cơ chế phân cấp, ủy quyền cho thành phố thuộc thành phố sau khi được thành lập; sau quá trình thực hiện ổn định, có hiệu quả mới xem xét, trình Quốc hội quy định cụ thể trong luật.
Liên quan đến mô hình “thành phố thuộc thành phố” trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mô hình này trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) còn khá mờ nhạt, chủ yếu là quyền liên quan đến tổ chức bộ máy. Do đó, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu thêm để phân cấp mạnh hơn cho mô hình này.
“Thành phố Hồ Chí Minh đã có mô hình “thành phố thuộc thành phố” là thành phố Thủ Đức từ mấy năm nay. Đây cũng là một dẫn chiếu có thể xem xét trong việc ban hành chính sách trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để quy định nhiệm vụ, quyền hạn nhiều hơn cho xứng tầm với mô hình mới”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh Trần Thu Hằng cho rằng, việc xây dựng tổ chức chính quyền đối với mô hình “thành phố thuộc thành phố” cần phải quy định chi tiết, cụ thể hơn, do theo dự kiến tới đây Hà Nội sẽ thành lập đô thị phía Bắc sông Hồng và đô thị Hòa Lạc - Xuân Mai. Khi thành lập thành phố này, quy mô dân số, vị trí địa lý… sẽ gấp 3-4 lần các quận, huyện, từ đó đòi hỏi khối lượng công việc, trình độ cán bộ, chế độ chính sách, việc tổ chức chính quyền của mô hình này cần rõ ràng, cụ thể. Đến khi mô hình đi vào hoạt động thì áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ thuận lợi, hiệu quả.
Về quy định trên, PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đô thị vệ tinh - với tính độc lập so với chính quyền thành phố trung tâm - nên cần có một số quyền tự quản. Bởi vậy, đối với các đô thị vệ tinh cần có tổ chức bộ máy chính quyền hoàn chỉnh, có HĐND (cơ quan đại diện của nhân dân) và UBND (cơ quan chấp hành do HĐND bầu ra) với các thẩm quyền tự chủ đầy đủ để bảo đảm thực hiện chức năng dịch vụ công, bởi đặc trưng nhận diện của một chính quyền địa phương tự quản là có cơ quan đại diện để quyết định cách thức thực thi các thẩm quyền tự quản. Bên cạnh đó, đô thị vệ tinh cũng cần được trao các thẩm quyền riêng, tương tự như các thẩm quyền của một đô thị tự quản...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.