Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết khủng hoảng người nhập cư bất hợp pháp: Phép thử với tương lai EU

Phương Quỳnh| 15/06/2018 06:30

(HNM) - Sau hai ngày “tiếng bấc, tiếng chì” liên quan tới việc Italia từ chối tiếp nhận hơn 600 người di cư bất hợp pháp, cuộc tranh cãi giữa Roma và Paris bắt đầu có dấu hiệu “hạ nhiệt” bằng việc hai bên thống nhất tổ chức gặp giữa Tổng thống hai nước trong ngày 15-6.

Làn sóng nhập cư bất hợp pháp đang gây chia rẽ trầm trọng nội bộ EU.


Mặc dù đã bùng phát và kéo dài suốt 4 năm qua, song những vấn đề liên quan tới làn sóng người di cư bất hợp pháp từ Trung Đông, Châu Phi tới Châu Âu vẫn khiến cả EU đau đầu. Hiện tại, EU đang áp dụng chính sách đối xử bình đẳng với người nhập cư, đấu tranh chống lại nhập cư bất hợp pháp và nạn buôn người; đồng thời khẳng định nguyên tắc đoàn kết cũng như chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên, kể cả trách nhiệm tài chính. Nói cách khác, chính sách của EU là hạn chế và giảm nhập cư bất hợp pháp, nhưng luôn bảo đảm tôn trọng quyền con người. Tuy nhiên, chính sách trên không được sự ủng hộ của tất cả các thành viên. Nếu như Đức, nước đã mở cửa đón nhận một số lượng lớn người di cư, đề nghị EU thực thi chương trình phân bổ người tỵ nạn cho các quốc gia thành viên, thì Anh và các nước Đông Âu như Ba Lan, Séc, Hungary, Slovakia lại cực lực phản đối.

Việc nhiều quốc gia từ chối tiếp nhận người di cư bất hợp pháp đã khiến cho số thành viên còn lại, trong đó có Italia, phải gồng mình gánh vác những khó khăn và hệ lụy do cuộc khủng hoảng này mang lại. Theo thống kê, đã có hơn 700.000 lượt người di cư đặt chân lên bờ biển của đất nước hình chiếc ủng kể từ khi bùng nổ làn sóng di cư ồ ạt sang Châu Âu vào năm 2013. Căn cứ quy định của EU, người di cư phải xin cấp quy chế tỵ nạn tại quốc gia Châu Âu đầu tiên họ đặt chân tới. Quy định này đã tạo áp lực đối với Italia và Hy Lạp bởi đây là những điểm cửa ngõ mà hàng trăm nghìn người tìm đến sau khi trốn chạy khỏi nội chiến, nghèo đói tại Trung Đông, Bắc Phi và nhiều khu vực khác. Vì thế, Italia cũng đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi các thành viên EU chia sẻ trách nhiệm nhưng ít được đáp ứng.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Italia Matteo Salvini mới đây đã từ chối cấp phép cho một chiếc tàu của Pháp cứu hộ được 629 người di cư từ bờ biển Libya cập cảng. Động thái này lập tức vấp phải sự chỉ trích từ chính quyền Pháp và thổi bùng căng thẳng ngoại giao giữa hai bên trong 3 ngày qua.

Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, có thể hiểu được động cơ trên của Italia là do nước này đã phải tiếp nhận lượng lớn người di cư Libya đi qua Địa Trung Hải đến Châu Âu. Bà A.Merkel cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay, đặc biệt là vấn đề di cư, các nước thành viên EU cần phải có sự nhất trí, đoàn kết và hợp tác hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các nước thành viên EU còn xa mới đạt được thỏa thuận giải quyết bế tắc trong cải cách hệ thống tỵ nạn. Vì vậy, khó có đột phá tại Hội nghị Thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra trong hai ngày 28 và 29-6, vốn được coi là mấu chốt để cải cách Hiệp định Dublin - văn bản luật quy định quốc gia nào chịu trách nhiệm cho việc xin tỵ nạn - hiện đã lỗi thời. Trong bối cảnh như vậy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Italia M.Salvini đã cảnh báo, đất nước hình chiếc ủng không thể là "trại tỵ nạn của Châu Âu".

Những gì đang diễn ra cho thấy, việc giải quyết những tranh chấp leo thang về vấn đề di cư bất hợp pháp tại Châu Âu đang được xem là phép thử mang tính quyết định đối với tương lai của EU.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết khủng hoảng người nhập cư bất hợp pháp: Phép thử với tương lai EU

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.