(HNM) - Câu chuyện đất công viên, cây xanh bị "xẻ thịt", lấn chiếm xây dựng nhà hàng, quán cà phê và các công trình khác vừa cũ lại vừa mới.
Cũ ở chỗ việc này diễn ra đã lâu, nhiều địa phương đã "ra quân quyết liệt" xử lý vi phạm, nhưng lại mới ở chỗ nhiều công trình đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức dư luận, thậm chí thêm công trình mới mọc lên. Mới nhất, theo báo cáo của Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội), hiện còn hàng chục trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích tại 27 công viên, vườn hoa, khu đô thị trên địa bàn thành phố...
Căn nguyên của tình trạng trên, về khách quan là do nhiều công trình tồn tại đã lâu, lại có nhiều dạng, như được thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, giao đất có thời hạn; có trường hợp là tài sản của doanh nghiệp trong phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất và phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa... nên liên quan đến nhiều quy định khác. Thậm chí, có cả những việc chưa có chế tài quy định nên chính quyền địa phương lúng túng khi xử lý.
Về nguyên nhân chủ quan (cũng là chủ yếu) là do đơn vị được giao quản lý công viên chưa làm tròn trách nhiệm, cho thuê đất xây dựng công trình bừa bãi; chính quyền địa phương cũng buông lỏng quản lý để xây dựng trái phép, không phép trên đất công viên xảy ra mà không có biện pháp xử lý triệt để ngay từ khi phát sinh. Hậu quả, công trình đưa vào sử dụng trong thời gian dài, lấn chiếm cả vỉa hè, lòng đường làm nơi để xe, gây cản trở giao thông, bức xúc dư luận.
Để trả công viên, vườn hoa về đúng công năng "lá phổi xanh" của thành phố, là nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng của nhân dân, ngày 8-7-2019, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp hiện trạng và xử lý nghiêm các vi phạm trên đất công viên, vườn hoa; có giải pháp khắc phục, hoàn trả việc sử dụng đất đúng mục đích.
Để thực hiện nhiệm vụ này, trước hết, Sở Xây dựng với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo, từ đó có phương án xử lý triệt để. Tinh thần là cả sở, ngành, địa phương cùng phải vào cuộc, với quyết tâm và trách nhiệm cao. Cùng với đó, cần có chế tài xử lý trách nhiệm của người được giao quản lý - cả quản lý sử dụng đất công viên, vườn hoa và quản lý nhà nước trên địa bàn có công viên, vườn hoa. Bởi thực tế đã cho thấy, nếu không có quyết tâm và làm rõ trách nhiệm thì câu chuyện "xẻ thịt" công viên để xây dựng công trình cứ tồn tại dai dẳng.
Đi đôi với đó, các sở, ngành cũng nên rà soát, tham mưu thành phố ban hành quy định hoặc đề xuất các bộ có hướng dẫn đối với vấn đề phát sinh chưa có cách giải quyết cụ thể. Việc này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn quản lý đô thị, nhưng đồng thời cũng để tránh việc lợi dụng "khoảng trống" pháp lý, không kiên quyết xử lý vi phạm hoặc phạt rồi cho tồn tại.
Hiện nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã giao Thanh tra Sở kiểm tra, đôn đốc, xử lý các trường hợp vi phạm như xây dựng không phép, trái phép; vi phạm về quản lý vườn hoa, công viên... Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn có một dạng vi phạm nữa là sử dụng đất không đúng mục đích, vì vậy chỉ riêng Sở Xây dựng vào cuộc là chưa đủ, mà cần có sự tham gia của liên ngành thành phố (như Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến việc sử dụng đất; Sở Tư pháp liên quan đến rà soát tính pháp lý của hợp đồng cho thuê, giao đất; Công an thành phố liên quan đến các biểu hiện vi phạm an ninh trật tự...).
Nếu không có sự đồng bộ như vậy, e rằng câu chuyện lấn chiếm đất công viên vẫn là chuyện cũ mà mới, khó được xử lý dứt điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.