Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp mạnh, quyết tâm lớn

Minh Bắc| 26/12/2019 06:40

(HNM) - Hơn 62.600 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công với gần 1.900ha; trong đó, 52.338 trường hợp tồn tại từ trước năm 2014… Những con số này cho thấy, số lượng vụ việc vi phạm về đất nông nghiệp, đất công tại Hà Nội còn khá nhiều, đòi hỏi các ngành, cấp, địa phương phải có những giải pháp mạnh, quyết tâm lớn mới giải quyết được dứt điểm.

Công tác quản lý đất đai nói chung, cũng như quản lý đất nông nghiệp, đất công vốn nhiều khó khăn và dễ phát sinh phức tạp. Những năm qua, việc quản lý đất đai, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý đất công, đất nông nghiệp đã được Hà Nội chú trọng triển khai, song chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý. Trên thực tế, các vi phạm vẫn xảy ra với nhiều hình thức từ âm thầm đến ngang nhiên với những hành vi như: Tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở, làm nhà xưởng, mở cơ sở kinh doanh, dịch vụ và làm bến bãi chứa vật liệu xây dựng…

Nguyên nhân thì có nhiều và đã được chỉ ra rất rõ, trong đó phải kể đến tình trạng người dân tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà ở trái phép trong khi chính quyền địa phương buông lỏng quản lý. Dẫn chứng đó đã được các cơ quan thanh tra làm rõ. Điển hình là nhiều trường hợp thuê, sử dụng đất nông nghiệp công ích, đất công không đúng mục đích theo hợp đồng thuê đất, nhưng không được chính quyền địa phương xử lý kịp thời, rốt ráo. Thậm chí, không ít trường hợp đã có kết luận của cơ quan thanh tra song chính quyền địa phương vẫn "làm ngơ" để tồn tại này kéo dài, gây khó khăn cho việc quản lý nhà nước về đất đai, về quy hoạch phát triển đô thị.

Thực tế trên đặt ra vấn đề cần tăng cường, phát huy hiệu lực, hiệu quả hơn nữa của chính quyền cơ sở trong quản lý nhà nước về đất đai. Mới đây nhất, ngày 29-11-2019, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 2354-TB/TU, truyền đạt kết luận của Thường trực Thành ủy về báo cáo thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội. Điều đó cho thấy, đây là vấn đề được lãnh đạo thành phố rất quan tâm, đòi hỏi các địa phương, đơn vị phải có những giải pháp mạnh để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật đất đai.

Để làm được điều đó, trước hết cấp ủy, chính quyền các cấp cần nâng cao hơn nữa vai trò trong quản lý, kiểm tra, giám sát. Trong đó, phải xác định công tác quản lý đất đai nói chung và quản lý đất nông nghiệp công ích, đất công nói riêng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, có tính chất phức tạp để từ đó tập trung chỉ đạo, có biện pháp phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đơn vị nhằm xử lý dứt điểm các vi phạm còn tồn tại, nhất là các vi phạm tồn tại từ trước năm 2014.

Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công, kiên quyết không để phát sinh các vi phạm mới. Đặc biệt, phải phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của đảng viên, quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng đất. Cùng với việc làm rõ hành vi vi phạm, thời điểm xảy ra vi phạm và xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tập thể có liên quan, cũng cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong việc để xảy ra vi phạm về quản lý đất đai.

Tin rằng với các giải pháp mạnh, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, nhất là lãnh đạo các địa phương, những vi phạm về đất nông nghiệp, đất công tại Hà Nội sẽ sớm được ngăn chặn, xử lý và giải quyết dứt điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp mạnh, quyết tâm lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.