Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp cho thị trường lao động Nhật Bản

Minh Hiếu| 01/10/2017 07:16

(HNM) - Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động, khi các công ty, doanh nghiệp tại Châu Âu, Châu Á và nhiều khu vực khác trên thế giới đang đi theo xu hướng cắt giảm biên chế thì Nhật Bản lại tích cực chuyển đổi lao động từ dạng hợp đồng bán thời gian, không chính thức sang diện biên chế chính thức.

Nữ thực tập sinh kỹ năng nghề may tại Nhật bản



Theo số liệu thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản hiện ở mức 2,8% - thấp nhất kể từ năm 1994. Tuy nhiên, hầu hết những vị trí việc làm được tuyển dụng trong vài thập kỷ qua là tạm thời, bán thời gian, không ổn định. Những người thuộc diện này hiện chiếm hơn 30% lực lượng lao động tại Nhật Bản. Họ ít có sự ràng buộc với công ty, thu nhập thấp, chậm được tăng lương và hầu như không được tham gia đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ.

Thế nhưng, xu hướng này đang nhanh chóng bị đảo ngược tại đất nước Mặt trời mọc. Nguồn cung lao động dần trở nên eo hẹp kể từ khi dân số Nhật Bản bước vào giai đoạn già hóa. Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng thiếu hụt lao động đã trở nên trầm trọng hơn lúc nào hết và các công ty không thể lấp đầy khoảng trống bằng nhân viên làm việc thời vụ. Đại diện Credit Saison - một công ty chuyên về phát hành thẻ tín dụng tại Nhật Bản - cho biết, họ đang có kế hoạch chuyển 2.200 nhân viên bán thời gian và nhân viên hợp đồng sang diện biên chế chính thức. Công ty coi đây là việc làm cần thiết để đầu tư cho tương lai.

Năm 2016, mức lương trung bình hằng tháng dành cho lao động biên chế tại Nhật Bản là 321.700 yên, trong khi lương nhân viên hợp đồng là 211.800 yên. Do vậy, sự thay đổi trên không chỉ tăng thu nhập, người lao động còn được nhận các khoản phụ cấp, tiền thưởng, phúc lợi, chế độ hưu trí và bảo đảm có một việc làm ổn định; các nhân viên cũng toàn tâm, toàn ý cống hiến cho công ty và có thêm động lực làm việc, sáng tạo.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, chi phí trả cho lao động tăng đồng nghĩa với việc các công ty, doanh nghiệp chịu thêm gánh nặng chi tiêu cho nhân sự, buộc họ có biện pháp cải thiện năng suất lao động hoặc tăng giá sản phẩm bán ra thị trường. Ông Takayoshi Hontao, Chủ tịch Going.com - chuyên phát triển và điều hành hệ thống quản lý doanh nghiệp - cho rằng, các công ty hoàn toàn nhận thức được vấn đề này. Trên thực tế, lợi nhuận mà họ thu về trong tương lai từ nguồn lao động ổn định, chất lượng tốt sẽ vượt xa chi phí bỏ ra do tăng thêm lao động biên chế.

Chuyên gia tư vấn tài chính Hiroshi Watanabe của Công ty Sony Financial Holdings cho biết, cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để thu hút người lao động chắc chắn sẽ ngày càng gay gắt hơn, mang lại lợi ích cho những người sẵn sàng làm việc toàn thời gian. Số lượng lao động biên chế ở Nhật Bản hiện vào khoảng 33,7 triệu người, tăng 800.000 người kể từ năm 2015. Con số này sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là khi luật về hợp đồng lao động sửa đổi có hiệu lực vào tháng 4-2018, buộc các công ty phải chuyển tất cả người lao động theo hợp đồng dài hạn hoặc ngắn hạn đã có trên 5 năm công tác vào diện biên chế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp cho thị trường lao động Nhật Bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.