Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp bình ổn thị trường?

Đức Anh| 11/12/2012 07:20

(HNM) - Sau hơn 10 ngày kể từ khi kết thúc thời hạn được phép huy động vàng bằng chứng chỉ ngắn hạn của tổ chức tín dụng (TCTD), mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại phát đi thông điệp yêu cầu các TCTD chấm dứt hoàn toàn hoạt động huy động vốn bằng vàng.

Chấm dứt huy động vốn bằng vàng, một trong những giải pháp nhằm bình ổn giá của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Trần Việt


Trong một văn bản mới đây, NHNN yêu cầu các TCTD còn số dư huy động, cho vay bằng vàng phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động này dưới mọi hình thức, kể cả gia hạn các khoản huy động vàng đến hạn. TCTD phải chấn chỉnh việc thực hiện quy định về huy động, giữ hộ vàng và sử dụng vàng huy động, vàng giữ hộ của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. TCTD báo cáo lộ trình tất toán các khoản sử dụng vàng huy động vào mục đích khác ngoài các khoản cho vay vốn bằng vàng, gồm: tất toán số dư tài khoản vàng ở nước ngoài, thu hồi các khoản sử dụng vào mục đích khác. Trước đó, NHNN cũng có văn bản yêu cầu các TCTD còn số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng thực hiện một số nội dung để chấm dứt huy động vốn bằng vàng.

Nhìn lại "cơn sốt" giá vàng thời điểm trước có thể thấy thị trường gần như rơi vào cảnh náo loạn khi người dân lũ lượt xếp hàng chỉ để sở hữu những lượng vàng mang thương hiệu SJC, đẩy giá sản phẩm này chênh với các thương hiệu khác, cũng như cao hơn giá vàng thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng. Lý giải cho tình trạng này, đại diện NHNN cho rằng, để hoàn tất việc chấm dứt huy động vốn bằng vàng, thời gian qua, các TCTD đã đẩy mạnh hoạt động thu mua trên thị trường, khiến giá trong nước bỏ xa giá thế giới trong suốt một  thời gian dài. Thị trường vẫn chưa được cải thiện sau khi thông điệp của NHNN được phát đi, bởi giá vàng SJC được giao dịch trên thị trường Hà Nội tại thời điểm 15h ngày 7-12 vẫn đạt mức 46,83 triệu đồng/lượng (mua vào) - 46,89 triệu đồng/lượng (bán ra).

Trong hai ngày cuối tuần (8 và 9-12), vàng SJC trên thị trường Hà Nội tăng nhẹ, nhưng vẫn ở dưới ngưỡng 47 triệu đồng/lượng, niêm yết phổ biến ở mức 46,86 triệu đồng/lượng (mua vào) - 46,92 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tiếp tục "đuối", được niêm yết với giá 43,3 triệu đồng/lượng (mua vào) - 43,55 triệu đồng/lượng (bán ra). Như vậy, vàng SJC vẫn là món "hàng hiệu" trong các thương hiệu đang có mặt tại Việt Nam, bởi so với giá thế giới, SJC vẫn "vênh" khá nhiều. Thời điểm 15h ngày 7-12, giá đạt 1.701 USD/ounce, quy  đổi ra VND theo tỷ giá 20.880 VND/USD của Vietcombank, giá vàng SJC tiếp tục chênh tới gần 4 triệu đồng/lượng. Đóng cửa phiên cuối tuần qua, giá chốt ở mức 1.704 USD/ounce.

Theo nhiều chuyên gia, giá vàng trong nước chưa thể liên thông ngay với thế giới, mà cần thêm thời gian. Song, biện pháp mạnh của NHNN chấm dứt huy động vốn bằng vàng sẽ tác động mạnh tới tâm lý của người dân cũng như thị trường. Người dân sẽ không còn đổ xô đi mua để gửi tiết kiệm vàng, với tâm lý giữ vàng vừa giúp bảo tồn nguồn vốn an toàn, lại được hưởng lãi. Bởi, theo công văn của NHNN đầu tháng 12, khách hàng phải trả phí cho TCTD thực hiện dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản, gồm cả dịch vụ giữ hộ vàng. TCTD phải niêm yết công khai phí dịch vụ quản lý, bảo quản, giữ hộ vàng, phải bảo đảm đủ điều kiện, cơ sở vật chất khi thực hiện nghiệp vụ quản lý, bảo quản, giữ hộ vàng; không trả lãi, lợi tức, phí và các hình thức khác cho khách hàng.

Không huy động vàng không chỉ khiến người dân bớt mua vàng, góp phần giảm bớt tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế mà ngay các TCTD cũng sẽ hoạt động an toàn hơn. Bài học về việc hàng loạt ngân hàng tung ra các chương trình ưu đãi để huy động trong dân, rồi phải đối mặt với nguy cơ lỗ khi giá tăng cao đã cho thấy huy động vàng để có thêm nguồn vốn không phải là một kênh an toàn.

Thực tế cho thấy, gần như không có quốc gia nào huy động tiết kiệm từ vàng, vì vàng được coi là một trong những loại hàng hóa hay biến động, trong một ngày, giá có thể tăng hay giảm với biên độ lớn. Việc NHNN yêu cầu các TCTD thu phí nếu giữ vàng cho người dân, người dân gửi không những không có lãi suất mà còn phải trả tiền cho ngân hàng, sẽ khiến vàng dần mất đi vị thế là sự lựa chọn duy nhất để bảo toàn nguồn vốn. Nếu so sánh giữa gửi tiết kiệm VND hay gửi vàng cho ngân hàng giữ hộ, rõ ràng là gửi tiết kiệm người dân có thể được hưởng khoản lãi suất khoảng 9-12%/năm, một mức khá cao thay vì chỉ mua vàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp bình ổn thị trường?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.