(HNMO) - Đây là giải pháp đề xuất của Bộ Xây dựng nhằm quản lý thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản là thị trường phức tạp, liên thông, gắn trực tiếp với thị trường tài chính, tiền tệ và các thị trường khác. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các cuộc khủng hoảng kinh tế thường bắt nguồn từ khủng hoảng thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường bất động sản.
Thị trường suy giảm một số chỉ số
Bộ Xây dựng cho biết, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong năm 2021 và 9 tháng năm 2022, thị trường bất động sản đã gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn và khan hiếm về nguồn cung, suy giảm ở một số chỉ số. Lượng giao dịch có xu hướng chững lại và giảm mạnh trong quý III-2022. Cụ thể, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công trong quý III-2022 đạt 51.003 giao dịch, chỉ bằng khoảng 73,8% so với quý II-2022; giao dịch đất nền đạt 115.129 giao dịch, bằng khoảng 54% so với quý trước. Giá bất động sản vẫn ở mức cao so với khả năng chi trả của đại đa số người dân.
Bộ Xây dựng đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế của thị trường bất động sản Việt Nam. Một là, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số bất cập cần sửa đổi.
Hai là, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, phổ biến là bất động sản ở các phân khúc nhà ở trung cấp, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa (có nhiều phân khúc đã vượt dự báo đến năm 2025). Trong đó, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
Ba là, cơ cấu nguồn lực cho thị trường bất động sản còn bất hợp lý, chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, vốn huy động qua phát hành trái phiếu và tiền ứng trước của khách hàng; vốn của chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15-30% tổng mức đầu tư dự án.
Bốn là, giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến.
Năm là, các sàn giao dịch bất động sản hoạt động thiếu ổn định; hoạt động môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt.
Sáu là, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản, nhà ở chưa đầy đủ, chưa công khai làm ảnh hưởng tới tính minh bạch của thị trường.
Bảy là, việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Kiểm soát huy động vốn
Nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chỉ rõ các giải pháp cụ thể cần triển khai thực hiện từ các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đến các địa phương.
Trong đó, với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, bảo đảm đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp; nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với thực tế đối với bất động sản nhằm góp phần khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản, hoạt động sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản, đặc biệt, cần kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, "thổi giá"; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản...
Đối với các địa phương, cần rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án chưa triển khai hoặc chậm triển khai; trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án để tăng nguồn cung cho thị trường; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện giao đất, lựa chọn chủ đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với dự án bất động sản, dự án nhà ở mới để tăng nguồn cung cho thị trường; có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hạ tầng kỹ thuật; rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...
Theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, chiều 3-11, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng, trong đó có vấn đề quản lý thị trường bất động sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.