Sự gia tăng đột biến hoạt động điện trong não là nguyên nhân tạo ra các trải nghiệm cận tử của những người gần kề cái chết, trong đó đặc biệt là một thứ ánh sáng chói lòa.
Kinh nghiệm cận tử hay kinh nghiệm cận chết là một trải nghiệm được kể lại bởi một người suýt chết hoặc đã bị chết lâm sàng và được cứu sống.
Hoạt động của sóng não mạnh lên trước khi chết. Ảnh minh họa: BBC. |
Theo nghiên cứu thực hiện trên chuột, mức độ sóng não tăng cao tại thời điểm cận kề cái chết của nó. Giới khoa học Mỹ cho biết, con người trong tình trạng tương tự sẽ phát sinh một trạng thái ý thức đặc biệt. Nghiên cứu được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, BBC đưa tin.
Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Jimo Borjigin từ Đại học Michigan, Mỹ cho biết: “Rất nhiều người nghĩ rằng não sau khi chết lâm sàng sẽ không hoạt động hoặc hoạt động hạn chế. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, điều đó không chính xác. Khi cái chết diễn ra, não bộ hoạt động nhiều hơn".
Theo những người đã cận kề cái chết rồi sống lại, xung quanh họ khi ấy được bao phủ bởi một không gian tràn ngập ánh sáng trắng, họ thấy một cảm giác kỳ lạ và có thể trông thấy thân xác mình ngay trước mắt.
Nghiên cứu trên chuột
Việc nghiên cứu cảm giác cận chết ở con người là một thách thức lớn. Vì vậy, các nhà khoa học Đại học Michiga đã theo dõi trên đối tượng là 9 con chuột sắp chết. Trong khoảng thời gian 30 giây sau khi tim con vật ngừng đập, sóng gama trong não chúng hoạt động rất mạnh.
Xung điện não ở các con chuột thí nghiệm cũng hoạt động với mức độ cao hơn so với trước. Các xung điện não có chức năng hình thành ý thức con vật, liên kết thông tin giữa các bộ phận khác nhau của não bộ.
"Điều tương tự sẽ xảy ra trên bộ não con người, một mức độ gia tăng hoạt động của não và ý thức có thể đem lại những trải nghiệm cận tử", tiến sĩ Borjigin nói.
“Những người cận kề cái chết có vỏ não thị giác bị kích hoạt mạnh, sóng não gama gia tăng khiến họ trông thấy ánh sáng và cảm giác kỳ ảo", bà nói thêm.
Tuy nhiên theo bà Borjigin, để xác nhận kết quả trên, nghiên cứu cần phải thực hiện trên những người trải qua cái chết lâm sàng và được hồi sinh. "Vấn đề là chúng ta không biết khi nào trải nghiệm cận tử xảy ra, có lẽ là khi bệnh nhân được gây mê hay trước khi tim ngừng đập", bà cho biết.
"Những phát hiện trên mở ra cánh cửa để nghiên cứu sâu hơn trên con người”, tiến sĩ Chris Chambers từ Đại học Cardiff, Anh nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.