(HNM) - Thời gian qua, nhiều chính sách áp dụng hỗ trợ vốn giúp các hợp tác xã hoạt động, thực hiện vai trò cầu nối trong khâu tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng hợp tác xã được tiếp cận với ưu đãi rất ít, đa số vẫn phải
Chính sách hỗ trợ vốn sẽ giúp các hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Ảnh: Thái Hiền |
Loay hoay tiếp cận nguồn vốn
Theo Liên minh hợp tác xã Việt Nam, để tạo điều kiện về nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và hợp tác xã nói riêng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 về chính sách tín dụng đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, các hợp tác xã được tổ chức tín dụng cho vay tối đa một tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi.
Tuy vậy, sau hơn 2 năm thực hiện, Nghị định dường như vẫn chưa đi vào cuộc sống, nhiều đơn vị hầu như không tiếp cận được nguồn vốn này. Trong vòng 3 năm qua, kinh tế tập thể phát triển với hơn 20.000 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ... nhưng chỉ được hỗ trợ vốn vay khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo Liên minh hợp tác xã Việt Nam, thực tế mới chỉ có 1,7% hợp tác xã trên địa bàn cả nước được tiếp cận với các nguồn tín dụng khác nhau. Các hợp tác xã được vay vốn chỉ ngắn hạn, chưa tiếp cận được nguồn vốn trung - dài hạn để quay vòng đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nguyên nhân khiến hợp tác xã và nguồn vốn vay khó "gặp" nhau bởi năng lực tài chính yếu. Các ngân hàng chỉ căn cứ vào lợi nhuận, hiệu quả đầu tư khi xem xét cho vay, trong khi đó, việc xây dựng phương án kinh doanh của một số đơn vị chưa có tính khả thi, dẫn tới thiếu điều kiện theo quy định...
Bên cạnh các nguồn tín dụng của ngân hàng, việc ra đời của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã đang là một trong những kênh hỗ trợ tích cực, song do nguồn vốn ban đầu được ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ chỉ có 100 tỷ đồng, khó đáp ứng nhu cầu vay vốn hằng năm của các hợp tác xã tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã TP Hà Nội Vũ Mạnh Nam cho biết: Dư nợ cho vay của Quỹ đến tháng 6-2017 đạt trên 100 tỷ đồng, nhưng số vốn quá ít so với nhu cầu thực tế của các hợp tác xã, nhất là đối với những đơn vị cần mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh dịch vụ...
Theo ông Trịnh Văn Vĩnh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông), hiện hợp tác xã đang hoạt động thu mua nông sản. Thời điểm vào vụ thu hoạch, rất cần vốn để trả nợ nông dân bởi số lượng phải gom ồ ạt, nhưng hầu hết các ngân hàng thương mại đều từ chối vì không có tài sản thế chấp. Điều này khiến hợp tác xã khó khăn trong thực hiện giao dịch, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Cần được xem xét hỗ trợ
Thực tế hiện nay, rất nhiều hợp tác xã khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất, mở rộng ngành nghề kinh doanh dịch vụ. Với các hợp tác xã, tài sản lớn nhất có thể thế chấp vay vốn là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng hiện còn nhiều hợp tác xã không có trụ sở, địa phương phải bố trí hoạt động tạm tại nhà văn hóa.
Do bí vốn hoạt động, hầu hết thành viên Ban quản trị hợp tác xã đều phải mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình thế chấp tại ngân hàng để đủ điều kiện được vay. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài sẽ nảy sinh nhiều bất cập và không bền vững...
Theo Liên minh hợp tác xã Việt Nam, trước hết các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành, đặc biệt về trình độ quản lý tài chính; đồng thời thu hút các nguồn vốn từ xã viên tiềm năng để tạo vốn hoạt động đa dạng. Bên cạnh đó, cần đổi mới tư duy và cách làm để phù hợp với cơ chế thị trường mới có thể tồn tại và phát triển…
Ngoài yếu tố từ chủ thể của các hợp tác xã, rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, như: Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất cho hợp tác xã (nếu có) để làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng khi mở rộng ngành nghề kinh doanh dịch vụ; Liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương mở những lớp tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ hợp tác xã, hướng dẫn lập phương án sản xuất, kinh doanh, phương án vay vốn - trả nợ ngân hàng… nhằm trang bị kiến thức, cách làm hiệu quả trong mọi hoạt động...
Về phía các tỉnh, thành phố, cần quan tâm bổ sung nguồn ngân sách hằng năm cho Quỹ Hỗ trợ hợp tác xã để tạo thêm nguồn vốn vay phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…
Ông Vũ Văn Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Cao (huyện Mê Linh) bày tỏ nguyện vọng, mong các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ xem xét hỗ trợ hợp tác xã được vay tín chấp phục vụ phát triển sản xuất, vì đa số không có tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng.
Như vậy, để hợp tác xã phát huy hiệu quả vai trò “cầu nối” giúp nông dân sản xuất, tiêu thụ nông sản, ngoài nỗ lực của chính họ, rất cần sự hỗ trợ nhằm tháo gỡ vướng mắc khi vay vốn ngân hàng và các điều kiện cần thiết để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.