Đô thị

Giải bài toán quá tải đô thị ở quận Hoàng Mai: Cần giải pháp căn cơ, đột phá: Bài cuối: Cơ chế đặc thù cho những đô thị đặc biệt

Nhóm phóng viên 15/11/2024 - 07:33

Với thực tế đã, đang diễn ra trên địa bàn quận Hoàng Mai, cấp có thẩm quyền và bản thân chính quyền địa phương phải tìm lời giải cho bài toán quá tải đô thị và những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình phát triển. Những lời giải đó phải từ thực tiễn trên địa bàn cũng như chỉ rõ những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm khai phá dư địa còn tiềm ẩn của Hoàng Mai.

mot-goc-khu-do-thi-linh-dam-quan-hoang-mai-.-anh-do-tam.jpg
Một góc Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai). Ảnh: Đỗ Tâm

Khai phá dư địa phát triển đô thị

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội nói chung và quận Hoàng Mai nói riêng vẫn còn những khó khăn, bất cập nhất định. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nêu thực tế, với quy mô dân số một số phường đặc biệt lớn như Hoàng Liệt, Đại Kim của quận Hoàng Mai, thì khối lượng công việc nhiều sẽ gây áp lực trong thực thi nhiệm vụ đối với công chức, người lao động ở địa phương.

Về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Nguyễn Xuân Chinh cho hay, khó khăn đang đè nặng lên chính quyền phường khi địa bàn là phường đông dân nhất Thủ đô. Khối lượng công việc lớn, cán bộ, công chức phường chịu rất nhiều áp lực. “Quy mô dân số của phường Hoàng Liệt tương đương một huyện và dân số một tổ dân phố tương đương một xã nhưng hiện số lượng cán bộ, công chức phường Hoàng Liệt vẫn chỉ có 23 người, không khác gì các phường khác”, ông Nguyễn Xuân Chinh nêu thực tế ở địa phương.

Lối ra của vấn đề này, theo ông Nguyễn Xuân Chinh, cần áp dụng đúng quy định tại Nghị định số 33/2023/ NĐ-CP ngày 10-6-2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2023). Cụ thể là Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định: Phường thuộc quận cứ tăng thêm đủ 1/3 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 1 công chức. “Nếu áp dụng như vậy, phường Hoàng Liệt sẽ được thêm khoảng 15 công chức nữa, như vậy mới bảo đảm hoàn thành tốt được khối lượng công việc”, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Nguyễn Xuân Chinh nói.

Hiện theo quy hoạch, tổng số bãi đỗ xe trên địa bàn quận Hoàng Mai là 86 điểm, nhưng mới khai thác được 16 điểm. Thực trạng này dẫn tới việc quận đang phải đối mặt với tình trạng đỗ xe không đúng nơi quy định trong Khu đô thị Linh Đàm, Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ… Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Nguyễn Văn Đức cho biết, lãnh đạo quận đã làm việc về tiến độ các dự án điểm đỗ xe và các chủ đầu tư cũng cam kết lộ trình để giải quyết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tiến độ thực hiện các dự án rất chậm. Giải pháp trước mắt là quận cấp tạm 13 điểm bãi đỗ xe trên địa bàn phường Hoàng Liệt, 4 điểm tại phường Định Công và 4 điểm tại phường Đại Kim.

“Việc cấp tạm này cũng chỉ đáp ứng vấn đề trước mắt, còn giải quyết căn cơ, triệt để thì sắp tới cần phải thực hiện rà soát quy hoạch. Khó khăn là những vị trí quy hoạch bãi đỗ xe đã bố trí cả vào nghĩa trang, thậm chí vào đất ở của các hộ dân, chính vì thế, việc triển khai thực hiện rất khó khăn. Một thực trạng nữa là việc quy hoạch bãi đỗ xe khu Linh Đàm bố trí rất xa các tòa nhà chung cư. Nếu thực hiện quy hoạch thì cư dân khu chung cư HH di chuyển xe đến điểm đỗ xe không thuận tiện, dễ nảy sinh việc người dân đỗ xe tràn lan”, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Nguyễn Văn Đức nói.

Phòng Quản lý đô thị quận đã tham mưu UBND quận kiến nghị thành phố chỉ đạo các nhà đầu tư quyết liệt tập trung giải phóng mặt bằng cũng như đầu tư bãi đỗ xe thông minh. Trong quá trình nghiên cứu để triển khai dự án nhà cao tầng cần bố trí tối đa vị trí diện tích đỗ xe ô tô, như vậy mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu.

Để giải quyết căn cơ tình trạng đỗ xe tràn lan dưới lòng đường tại Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, theo Chủ tịch UBND phường Đại Kim Nguyễn Sỹ Phong, địa phương đã đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng để thực hiện xây dựng bãi xe theo quy định. Đối với những dự án chậm triển khai nhưng đã giải phóng mặt bằng, đề nghị các cấp, ngành chỉ đạo chủ đầu tư nếu chưa triển khai dự án thì tạo điều kiện cho việc cấp phép tạm, nhằm giải quyết vấn đề thiếu bãi đỗ xe ô tô trên địa bàn phường.

Cơ hội phát triển đô thị từ Luật Thủ đô

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhìn nhận, ở Hà Nội và những đô thị lớn khi sáp nhập đơn vị hành chính thì số lượng hộ dân, địa bàn lớn hơn rất nhiều. “Với cách thức vận hành như cũ, tức là giao nhiệm vụ cho cán bộ không chuyên trách, và cách tổ chức công việc như cũ thì chắc chắn hiệu quả quản lý giảm đi. Cần xem lại vấn đề cách thức vận hành của các tổ dân phố, của đội ngũ cán bộ không chuyên trách”, ông Nguyễn Đắc Vinh nói.

Còn theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10-6-2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đã quy định phường loại 1 như Hoàng Liệt tăng thêm đủ 1/3 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 1 công chức. Đặc biệt tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị không tổ chức HĐND cấp phường và quận thì quy định trong Nghị định số 33/2023/ NĐ-CP là lời giải bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Về giải quyết không gian cho các khu đô thị chật chội của quận Hoàng Mai, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, Luật Thủ đô năm 2024 đã quy định không giới hạn không gian ngầm trong phạm vi xây dựng công trình. Vì thế, không gian ngầm ở các tòa nhà có thể mở rộng ra xung quanh mà không bị giới hạn, từ đó sẽ tạo thành những “thành phố ngầm” trong lòng thành phố.

GS.TS Hoàng Văn Cường cho hay, hiện nay, ở một số khu đô thị trên địa bàn Hà Nội, không gian ngầm đã phát triển ra ngoài khuôn viên các tòa nhà. Tương tự, trong đô thị trung tâm của thành phố, khi tiến hành cải tạo những khu chung cư cũ như Kim Liên, Trung Tự, Thành Công… bắt buộc phải cải tạo theo hình thức “ngầm hóa”, biến khu vực đó thành một thành phố ngầm trong tương lai. Có như vậy, không gian trên mặt đất mới dành cho công cộng, đặc biệt là giao thông đô thị. Những khu đô thị tại quận Hoàng Mai nên đi theo hướng này.

“Những thành phố ngầm như vậy sẽ được kết nối giao thông một cách đồng bộ, có đường sắt đô thị chạy qua, sẽ rất thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại, mua sắm...”, GS.TS Hoàng Văn Cường nói.

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô năm 2024 cũng quy định các nội dung liên quan đến TOD - là giải pháp phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng. Hoàng Mai sẽ là địa bàn có dư địa rất lớn để thực hiện mô hình này với việc thành phố đang báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai, kết nối với điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì). Đây là lợi thế vô cùng quan trọng để Hoàng Mai tạo lập các đô thị ngầm, đô thị nén dọc tuyến đường sắt đô thị.

Về các vấn đề xã hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa nhận định, việc tập trung quá nhiều người thu nhập thấp tại một địa điểm (khu chung cư HH Linh Đàm) ẩn chứa những bất ổn về xã hội. Có thể thấy, cộng đồng cư dân sống trong khu thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau với những khác biệt về mức sống, công việc, trình độ học vấn, văn hóa vùng miền, lối sống... dễ nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí xung đột trong sử dụng không gian công cộng. Ngoài ra, do thiếu các không gian công cộng nên cuộc sống thường nhật của cư dân trong các khu nhà trở nên chật chội và bức bối, không ít các mâu thuẫn và xung đột đã xảy ra.

Ông Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, cần tăng cường quan tâm phát triển giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng nếp sống văn minh và đời sống văn hóa tinh thần ở khu dân cư… Đồng thời, chính quyền địa phương cần chú trọng xây dựng hạ tầng giáo dục, y tế trên địa bàn đông dân cư như phường Hoàng Liệt, song song với thực hiện nghiêm kỷ luật về quy hoạch, tránh phá vỡ quy hoạch như thời điểm trước đây, dẫn đến những hệ lụy về xã hội.

Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh:
“Vướng mắc lớn nhất của quận Hoàng Mai là từ khâu quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch. Nhiều đồ án quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 các khu đô thị trên địa bàn từ thời điểm năm 1996 đến 2014 đến nay không còn phù hợp với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc so với quy hoạch phân khu đô thị H2-3 và H2-4 (về mật độ xây dựng, tầng cao công trình), ảnh hưởng đến việc quản lý và thực hiện theo quy hoạch. Muốn giải quyết gốc rễ, chúng ta phải sớm điều chỉnh quy hoạch đô thị. Đó là quyền của người dân được hưởng thụ và trách nhiệm của chúng ta phải làm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán quá tải đô thị ở quận Hoàng Mai: Cần giải pháp căn cơ, đột phá: Bài cuối: Cơ chế đặc thù cho những đô thị đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.