Chính trị

Một năm ngày mất cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đậm sâu dấu ấn nhà lãnh đạo suốt đời vì nước, vì dân

Minh Nguyệt 08/07/2025 - 20:51

Ngày 14 tháng Sáu năm Giáp Thìn (tức ngày 19-7-2024), Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ giã đồng chí, đồng bào về với thế giới người hiền.

Thấm thoắt một năm trôi qua. Những ngày này, cảm xúc bồi hồi, thương nhớ, kính trọng nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, người cộng sản mẫu mực suốt đời cống hiến vì nước, vì dân lại dâng lên trong trái tim bao người.

1. Trong suốt quá trình lãnh đạo, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đồng chí luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh, thật sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân và toàn dân tộc.

Với tinh thần "kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ", chiến dịch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự chỉ đạo của Đồng chí đã trở thành một dấu mốc lịch sử, nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của toàn xã hội, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Những vụ án lớn, phức tạp được đưa ra ánh sáng, việc xử lý nghiêm minh cán bộ với quan điểm “xử lý một người cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, “cắt một vài cành sâu để cứu cả cây”, không chỉ thu hồi số lượng tài sản lớn về cho Nhà nước, mà quan trọng hơn là củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.

Chiến dịch đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đứng đầu là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đã khẳng định tính hiệu quả rõ nét. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không phải “lẻ mẻ từng vụ, từng việc”, mà đã trở thành phong trào, thành một xu thế. “Chiến dịch đốt lò” hay “người đốt lò vĩ đại”, “lò của cụ Tổng” đã trở thành những cụm từ thân quen, được nhân dân cả nước yêu mến sử dụng như một cách ghi nhận công lao, đóng góp của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

a1-2017.jpg
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp xúc với cử tri thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có những đóng góp to lớn trong công tác lý luận của Đảng. Với tư duy khoa học, sâu sắc và tầm nhìn chiến lược, Đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nhiều bài phát biểu, bài viết của Đồng chí đã trở thành kim chỉ nam, định hướng cho công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại trong điều kiện mới.

Trong công tác đối ngoại, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những dấu ấn đặc biệt, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Với chủ trương “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, Đồng chí đã trực tiếp tham gia và chỉ đạo nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, phát triển quan hệ hợp tác sâu rộng với các nước lớn, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia.

Những chuyến thăm cấp cao, những cuộc gặp gỡ song phương, đa phương dưới sự chủ trì của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã góp phần hóa giải những khó khăn, thách thức, mở ra những cơ hội hợp tác mới, đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Tư tưởng về trường phái ngoại giao cây tre của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” tượng trưng cho ba yếu tố quan trọng, gồm lợi ích quốc gia - dân tộc, sự kiên định và khả năng thích ứng linh hoạt vẫn là “ngọn đuốc soi đường” cho Việt Nam tự tin bước ra biển lớn.

Hơn tất cả, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp của Đồng chí là minh chứng sống động cho tinh thần kiên trung, tận tụy vì nước, vì dân. Đồng chí sống giản dị, liêm khiết, gần gũi với nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày đến những quyết sách lớn lao liên quan đến vận mệnh đất nước, Đồng chí luôn thể hiện sự gương mẫu, trách nhiệm và tâm huyết.

2. Những đóng góp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành di sản quý báu, hòa quyện cùng di sản vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các vị tiền bối cách mạng tạo thành nền tảng vững chắc cho đất nước tiến lên.

Chúng ta càng tự hào rằng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hôm nay, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ tiếp nối một cách mạnh mẽ di sản vô giá ấy, mà còn phát triển lên tầm cao mới với những quyết sách lịch sử, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

tbt-chuc-tet-3.jpg
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần về thăm, chúc Tết Đảng bộ thành phố Hà Nội. Ảnh: Duy Linh

Chỉ trong vòng gần một năm qua, đất nước ta đã chứng kiến những chuyển động đột phá, mạnh mẽ, thể hiện một phong cách lãnh đạo mới mẻ. Đảng ta đã đưa ra các chủ trương, quyết sách cải cách lớn, giải quyết những vấn đề cốt lõi, tạo đà cho sự phát triển vượt bậc của đất nước.

Kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, đặc biệt là trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt, không những “không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, mà còn tấn công trên quy mô lớn, truy tận gốc những tệ nạn, ung nhọt của xã hội, chú trọng chống lãng phí.

Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Với tinh thần cách mạng, “vừa chạy, vừa xếp hàng”, ngày 1-7-2025 đã đánh dấu một mốc son lịch sử của đất nước, khi việc sắp xếp đơn vị hành chính mới từ 63 tỉnh, thành phố còn 34 tỉnh, thành phố, bỏ cấp huyện - cấp trung gian, số đơn vị hành chính cấp xã cũng giảm từ 10.035 xuống còn 3.321; bộ máy chính quyền địa phương từ 3 cấp nay còn 2 cấp.

Đi liền với bộ máy mới, Trung ương đã chỉ đạo triệt để phân cấp, giao quyền cho cấp tỉnh, cấp xã với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Việc sắp xếp đơn vị hành chính không đơn thuần là thu gọn đầu mối, mà còn là cuộc kiến tạo vĩ đại, mở ra không gian phát triển mới cho từng địa phương, từng vùng và cả đất nước.

Về định hướng phát triển đất nước, Đảng ta đã xác định rõ “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” với đích đến là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Chính trị đã ban hành “Bộ tứ trụ cột” gồm 4 nghị quyết mang tầm nhìn trăm năm cùng khát vọng lớn lên của cả dân tộc. Đó là Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TƯ ngày 24-1-2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TƯ ngày 30-4-2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4-5-2025 về phát triển kinh tế tư nhân.

3. Thực hiện các nghị quyết trên, Quốc hội, Chính phủ và các cấp, các ngành đã nhanh chóng cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách có tính chất mới, đột phá chưa từng có, tiêu biểu như các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân.

Tại Hà Nội, thành phố đang hoàn thiện và sẽ sớm ban hành 6 nghị quyết nhằm tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Với sự nỗ lực của Trung ương và địa phương, đất nước đang đổi mới và phát triển từng ngày. Mặc dù trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức, nhưng GDP 6 tháng đầu năm 2025 đã tăng 7,52% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong 15 năm qua.

Tại Hà Nội, GRDP 6 tháng cũng đã tăng 7,63%; thu ngân sách đạt 392.200 tỷ đồng, tương đương 77,6% dự toán và tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2024.

Hiện nay, cả nước trong đó có Hà Nội đang quyết tâm đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% trong năm nay để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới. Tất cả đang chuyển động với quyết tâm thực hiện bằng được hai cột mốc 100 năm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Đó là: Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Qua gần hai thập kỷ giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã để lại những dấu ấn sâu đậm, có ý nghĩa lịch sử. Di sản của Đồng chí cùng với những giá trị vĩnh cửu của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ mãi là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình xây dựng một đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Tên tuổi của Đồng chí sẽ mãi được khắc ghi như một biểu tượng của sự kiên định, bản lĩnh và tận tụy vì sự nghiệp cách mạng, vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một năm ngày mất cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đậm sâu dấu ấn nhà lãnh đạo suốt đời vì nước, vì dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.