Đô thị

Giải bài toán quá tải đô thị ở quận Hoàng Mai: Cần giải pháp căn cơ, đột phá

Nhóm phóng viên 11/11/2024 - 07:32

LTS: Theo quy hoạch, đến năm 2030, quận Hoàng Mai sẽ có dân số trên dưới 40 vạn người, nhưng hiện tại con số này đã lên tới hơn 70 vạn, trở thành đơn vị hành chính cấp quận đông dân nhất của thành phố Hà Nội. Với mật độ dân cư 10.309 người/km², Hoàng Mai cũng là quận có nhiều nhà cao tầng nhất Thủ đô với 185 nhà cao tầng, chung cư thương mại, tái định cư đã đưa vào sử dụng. Bài toán quá tải đô thị là vấn đề thực tiễn đặt ra cho không chỉ riêng quận Hoàng Mai hay Hà Nội mà còn với nhiều địa phương trên cả nước. Báo Hànộimới trân trọng gửi tới bạn đọc loạt bài “Giải bài toán quá tải đô thị ở quận Hoàng Mai: Cần giải pháp căn cơ, đột phá” nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại".

Bài 1: “Người khổng lồ” mặc manh áo chật

Quận Hoàng Mai được thành lập theo Nghị định số 132/2003/NĐ-CP ngày 6-11-2003 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2004, trên cơ sở hợp nhất 9 xã của huyện Thanh Trì và 5 phường của quận Hai Bà Trưng. Là quận có diện tích rộng thứ tư của Hà Nội (4.104ha), sau các quận Hà Đông, Long Biên và Bắc Từ Liêm, song Hoàng Mai đang có tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học tăng nhanh nhất thành phố và cả nước. Vì thế, hiện nay, Hoàng Mai được ví như “người khổng lồ” mặc manh áo chật.

nha-3.jpg
Tuy có môi trường sống hiền hòa nhưng mật độ dân số cao khiến người dân sống tại các chung cư HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) gặp không ít khó khăn.

Chung cư mọc lên như nấm, nhưng thiếu đồng bộ

Năm 2004, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng lựa chọn quận Hoàng Mai làm nơi sinh sống vì vị trí địa lý thuận lợi, giá nhà ở phù hợp và có Khu đô thị Linh Đàm - một trong những khu đô thị đầu tiên của Hà Nội với cảnh quan thiên nhiên hài hòa.

Đất lành chim đậu, có cầu ắt có cung, chỉ trong thời gian ngắn, Hoàng Mai phát triển nhiều khu đô thị. Sau hơn 20 năm thành lập, đến nay, Hoàng Mai “sở hữu” tới 185 chung cư thương mại, tái định cư, trong đó, chung cư thương mại có 145 tòa nhà, chung cư tái định cư 40 tòa.

Phường Hoàng Liệt - nơi gia đình chị Nguyễn Thị Hồng sinh sống là một trong những phường đông dân nhất cả nước tính đến thời điểm này. Khi mới thành lập (năm 2003), phường Hoàng Liệt có hơn 10 nghìn dân. Hơn 20 năm sau, dân số tăng lên khoảng 100 nghìn người, với 45 tổ dân phố. Nói ví von, phường Hoàng Liệt như là “người khổng lồ” mang manh áo chật, quả không sai...

Trên diện tích tự nhiên 497ha, bao gồm cả Công viên Yên Sở, hồ Linh Đàm và các khu dân cư truyền thống, phường Hoàng Liệt có 92 tòa chung cư. Trong đó, chỉ riêng Khu chung cư HH Linh Đàm (nơi gia đình chị Nguyễn Thị Hồng sống) có đến 12 tòa cao từ 35 đến 41 tầng, mỗi tầng 20 căn hộ; trung bình 1 tòa có khoảng 3.000 dân. Nhẩm tính, cả khu đô thị có tới 36.000 nhân khẩu sinh sống.

Môi trường sống hiền hòa, song những điều không như ý muốn mà chị Hồng và các cư dân ở đây phải đối mặt hằng ngày không phải là ít. Ấy là vào giờ cao điểm, chị Hồng cũng như cư dân ở 12 tòa chung cư HH Linh Đàm vẫn thường phải đứng chờ khá lâu mới đến lượt đi thang máy. Dù ở dưới các tòa nhà đều có các ki ốt, siêu thị, cửa hàng tiện ích và chợ của chung cư..., song từ nhiều năm nay, con đường chạy dọc các tòa HH3B, HH3A, HH4A, HH4B biến thành "chợ cóc" gây ảnh hưởng giao thông, mất mỹ quan đô thị.

Những bất cập này chưa là gì so với câu chuyện chỗ để xe. Khu chung cư này vốn được xây dựng từ thời điểm mà tầng hầm chỉ thiết kế để xe máy, không có chỗ để xe ô tô. Trong khi đó, 70-80% gia đình cư dân có xe ô tô, thế nên khu vực xung quanh 12 tòa HH, thậm chí trên vỉa hè và dưới lòng đường… bất đắc dĩ trở thành nơi đỗ xe của cư dân, ảnh hưởng nghiêm trọng tới không gian sống và giao thông trong khu vực. Những câu chuyện dở khóc, dở cười, thậm chí xô xát vì chỗ đỗ xe đã từng xảy ra ở nơi đây.

Buộc phải thích nghi với “áo chật”

Quận Hoàng Mai có 14 phường, 394 tổ dân phố. Tốc độ đô thị hóa mạnh, đi kèm thuận lợi là những khó khăn do tình trạng dân số cơ học tăng nhanh, trong khi hạ tầng cơ sở chưa phát triển theo kịp, dẫn đến nảy sinh những bất cập trong công tác quản lý.

Chỉ tính riêng phường Hoàng Liệt, theo số liệu thống kê đã có gần 10.000 xe ô tô, trong khi diện tích bãi đỗ xe đã được cấp phép chưa đến 2.000m2. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Nguyễn Xuân Chinh, Trên địa bàn phường có một số ô đất quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe của nhà đầu tư thứ phát không được triển khai. Nhiều tòa chung cư xây từ lâu như cụm chung cư HH, VP, chỉ có 1 tầng hầm để xe máy, không có chỗ để ô tô. “Nhu cầu của người dân là thực tế, nhưng không có chỗ để nên đành phải đỗ ở lề đường, vỉa hè. Phường vẫn thường xuyên ra quân xử lý nhưng họ vẫn đỗ. Phường đã đề xuất quận về bãi đỗ xe tạm nhưng sức chứa ít, không giải quyết được triệt để vấn đề”, ông Nguyễn Xuân Chinh cho hay.

Loay hoay với bài toán bảo đảm trật tự đô thị, Chủ tịch UBND phường Đại Kim Nguyễn Sỹ Phong cho biết: Các lực lượng chức năng của phường liên tục ra quân lập lại trật tự kỷ cương, giữ cho đường thông, hè thoáng. Chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các chi bộ, tổ dân vận, tổ dân phố đã tích cực vào cuộc duy trì văn minh đô thị, dọn vệ sinh môi trường và xử lý điểm đỗ xe không phép. Tuy nhiên, hiệu quả chỉ được ngay sau thời điểm ra quân...

Phân tích bức tranh tổng thể, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Nguyễn Văn Đức thông tin: Theo quy hoạch phân khu, ước tính đến năm 2030, quận Hoàng Mai có dân số trên dưới 40 vạn người, nhưng ở thời điểm hiện tại dân số đã là trên 70 vạn người. Xét tương quan dân số thực tế và quy hoạch, hiện đã gây ảnh hưởng lớn đến giao thông, trật tự đô thị. Một trong những vấn đề cần đặc biệt quan tâm là giao thông tĩnh, cụ thể là bãi đỗ xe. Theo rà soát tại 3 phường có dân số lớn là Hoàng Liệt, Đại Kim, Định Công, đã quy hoạch được 29 bãi đỗ xe. Theo quy hoạch phân khu, các bãi đỗ xe này đều là bãi đỗ xe thông minh cao tầng để phục vụ nhu cầu dân sinh. Ngoài ra, trong 29 ô đất bãi đỗ xe có một số điểm nằm trong các dự án mà thành phố đã giao cho chủ đầu tư, ví dụ như bãi đỗ xe trong dự án Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, bãi đỗ xe trong khu bán đảo Linh Đàm, bãi đỗ xe Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, bãi đỗ xe Khu đô thị Định Công, bãi đỗ xe Khu đô thị Đại Kim... Trong số này, chỉ có 1 bãi đỗ xe trong khu Bệnh viện Thu Cúc là đã đầu tư cao tầng, còn lại các điểm khác nhà đầu tư chậm trễ triển khai. Thậm chí, nhiều vị trí còn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Có những vị trí đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đưa vào khai thác sử dụng (như ở Khu đô thị Định Công và khu bán đảo Linh Đàm), nhưng mới dừng ở khai thác mặt bằng chứ chưa thực hiện theo đúng quy hoạch là bãi đỗ xe cao tầng.

Một bất cập nữa là trước đây, việc xây dựng các nhà chung cư chưa tính toán hết nhu cầu đỗ xe ô tô của người dân, dẫn tới tình trạng thiếu trầm trọng như hiện giờ. Hiện, quanh cụm chung cư HH, Kim Văn - Kim Lũ, Định Công..., tình trạng người dân đỗ xe vi phạm pháp luật giao thông diễn ra phức tạp. Chính quyền địa phương đã nhiều lần ra quân xử lý, song do lực lượng mỏng nên việc giải quyết triệt để vấn đề này thực sự khó. Người dân biết đỗ xe sai nơi quy định nhưng vẫn đỗ, chấp nhận nộp phạt vì không còn giải pháp nào khác. Câu chuyện này được báo chí phản ánh, sau đó thành phố và quận Hoàng Mai đã có các giải pháp để xử lý, song vẫn chỉ có tính chất tình thế. Thực tế, cả người dân cũng như chính quyền địa phương phải cố gắng thích nghi với thực tại.

Ông Nguyễn Văn Đức cho hay, thành phố đã chỉ đạo, Sở Giao thông vận tải có hướng dẫn, song cơ sở vẫn chưa hết khó khăn. Ví dụ, có những vị trí khu dự án mà do nguyên nhân khách quan chủ đầu tư chưa thể thực hiện các quy trình giao đất, nên chưa triển khai được thì có thể tính toán cấp phép trông giữ xe tạm thời. Tuy nhiên, để thực hiện việc này đòi hỏi quy trình rất phức tạp. Theo ông Đức, quy trình như vậy là chặt chẽ nhưng sẽ mất nhiều thời gian.

Mấu chốt của vấn đề là yêu cầu chủ đầu tư cần hoàn thiện dự án hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Trong quá trình triển khai, một số dự án chủ đầu tư đã rao bán căn hộ, nhưng các ô đất để thực hiện hạ tầng lại chưa hoàn thiện. Ví dụ như Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, Khu đô thị mới Đại Kim...

Rào cản nữa, theo ông Nguyễn Văn Đức, chính là chi phí đầu tư bãi đỗ xe lớn, trong khi chưa có cơ chế để ràng buộc nhà đầu tư phải thực hiện trách nhiệm này. Thêm khó khăn là sự xuất hiện của các nhà đầu tư thứ phát như Công ty Vạn Cát mua lại đất dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD). Đơn vị này vẫn nộp thuế nhưng chưa đầu tư, đất bị bỏ trống, gây lãng phí.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán quá tải đô thị ở quận Hoàng Mai: Cần giải pháp căn cơ, đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.