Đô thị

Giải bài toán quá tải đô thị ở quận Hoàng Mai: Cần giải pháp căn cơ, đột phá Bài 3: Cán bộ gồng mình “gánh” việc

Nhóm phóng viên 13/11/2024 - 06:42

Những vấn đề đặt ra bởi tình trạng dân cư đông đúc ở quận Hoàng Mai là bài toán đến nay chưa có lời giải. Trong khi đó, số lượng cán bộ làm việc tại các phường trên địa bàn quận về cơ bản bằng mức bình quân của cấp xã.

Mặt khác, cán bộ, công chức phường ngoài nhiệm vụ chuyên môn đều được giao thêm nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt tình hình tại các tổ dân phố nên họ phải gồng mình “gánh” việc. Cán bộ hưởng “một” lương nhưng làm việc bằng “mười” so với khối lượng công việc của địa phương khác, đang là câu chuyện thực tế ở quận Hoàng Mai.

hoang-mai.jpg
Quang cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề “Tuyên truyền dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Lĩnh Nam theo quy hoạch” của Đảng ủy phường Mai Động (quận Hoàng Mai). Ảnh: Hiền Thu

Thường xuyên làm thêm giờ

Tình trạng quá tải công việc đối với cán bộ, công chức, người lao động ở các cơ quan công sở trên địa bàn đông dân cư không chỉ diễn ra trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành mà là thực tế tồn tại nhiều năm qua tại quận Hoàng Mai. Dù đội ngũ cán bộ, công chức có tinh nhuệ đến mấy cũng không tránh khỏi những mệt mỏi vì quá tải và áp lực công việc.

Trước đây, khi thành phố Hà Nội chưa thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội tại các phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây, thì tại UBND phường Hoàng Liệt - nơi có rất nhiều dự án đang triển khai, lượng hồ sơ hành chính giao dịch hằng ngày rất lớn. Trung bình một ngày, cán bộ UBND phường phải trình ký rất nhiều hồ sơ, trong khi lãnh đạo UBND phường còn phải giải quyết nhiều công việc khác. Tính riêng năm 2020, có tới 10.881 hồ sơ chứng thực, hộ tịch được thực hiện tại UBND phường.

Từ ngày 1-7-2021 đến nay, thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Theo đó, Chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính..., nên đã giúp giảm tải lượng công việc cho lãnh đạo phường. Tuy nhiên, khối lượng công việc ở bộ phận “một cửa” thì không giảm. Đơn cử, tại phường Hoàng Liệt, năm 2023, bộ phận “một cửa” đã tiếp nhận 11.294 trường hợp giải quyết thủ tục hành chính. Còn từ đầu năm đến tháng 9-2024, tổng số hồ sơ hành chính đã tiếp nhận là 10.009 hồ sơ, trong đó, số hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 2.617 hồ sơ.

Ở góc độ là công chức Văn phòng - Thống kê UBND phường Hoàng Liệt, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết: “Phường đông dân, số hồ sơ hành chính nhiều, trong đó, có không ít thủ tục hành chính áp dụng làm trực tuyến, trong khi nhiều người dân chưa biết cách làm nên công chức phải quan tâm, hướng dẫn. Để hoàn thành được nhiệm vụ, chúng tôi thường xuyên phải làm thêm giờ”.

Có một câu chuyện được Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm chia sẻ, đó là tại hội nghị tổng kết công tác khối nội chính năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, đồng chí Chủ tịch UBND quận có hỏi cơ quan tòa án về tổng số vụ ly hôn trong năm qua của quận. Mới nghe, có người ngồi dưới hội trường thắc mắc, tại sao lại đi hỏi chuyện ly hôn, nhưng sau khi nghe Chủ tịch UBND quận phân tích, những người tham dự hội nghị mới nhận ra đây là ví dụ rất điển hình cho thấy công tác quản lý trên địa bàn quận Hoàng Mai vất vả, phức tạp như thế nào. Cụ thể, năm 2023, số vụ ly hôn trên địa bàn quận là 2.000 vụ, số kết hôn 1.196. Như vậy, trung bình một ngày làm việc, cán bộ tòa án và cơ sở phải thụ lý giải quyết 4 đến 5 vụ ly hôn; trong khi đó, một cán bộ công an quận phải xác minh, giải quyết 28 vụ/tháng.

Chưa kể, Phòng Y tế quận Hoàng Mai hiện chỉ có 3 biên chế, nhưng phải đảm nhận quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn, tham mưu cho UBND quận toàn bộ về công tác: Phòng chống dịch, an toàn thực phẩm, hành nghề y dược tư nhân, các chương trình y tế... phục vụ hơn 70 vạn dân.

Ở cấp cơ sở cũng vất vả không kém. Trưởng phòng Y tế quận Hoàng Mai Nguyễn Xuân Trung dẫn chứng, phường Hoàng Liệt có 10 vạn dân, 45 tổ dân phố nhưng chỉ có 1 trạm y tế gồm 9 cán bộ, nhân viên thì không thể bảo đảm mỗi người phụ trách 1 tổ dân phố.

Khó tránh khỏi “bắt cóc, bỏ đĩa”…

Với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, cán bộ công tác trong lĩnh vực trật tự đô thị là lực lượng có khối lượng công việc khá nặng nề và nhiều áp lực. Nhiều câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” vẫn lặp đi lặp lại, nhất là ở những địa bàn đông dân cư. Người dân chứng kiến nhiều lần lực lượng chức năng ra quân lập lại trật tự đô thị, nhưng cũng chỉ như “bắt cóc, bỏ đĩa”, vì khi họ đi khỏi là vi phạm trở lại nguyên trạng ban đầu.

Nhiều kiến nghị được cử tri nêu đi nêu lại nhiều lần qua các buổi tiếp xúc cử tri nhưng vẫn “án binh bất động” như: Tình trạng tồn tại "chợ cóc", "chợ tạm" gây mất vệ sinh, ảnh hưởng giao thông; dự án “treo”; thiếu nhà văn hóa; thiếu bãi đỗ xe… Điều đó phần nào phản ánh việc thiếu nhân lực và vật lực của quận Hoàng Mai.

Theo thống kê, tổng số dự án đang thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận là 81 dự án, trong đó: Các dự án đang triển khai gồm 47 dự án (41 dự án vốn ngân sách và 6 dự án vốn ngoài ngân sách); các dự án tồn tại, khó khăn vướng mắc chưa triển khai là 22 dự án; các dự án tạm dừng triển khai là 12 dự án.

Yên Sở là phường trọng điểm về công tác giải phóng mặt bằng, với các dự án quan trọng, như: Dự án xây dựng đường Tam Trinh; dự án xây dựng tuyến đường kết nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3; dự án xây dựng tuyến đường vào Trường Tiểu học chất lượng cao Yên Sở… Để hoàn thành các dự án đúng tiến độ đề ra, công tác giải phóng mặt bằng là một trong những khâu quan trọng và quyết định. Tuy nhiên, đây là công việc nhạy cảm, phức tạp, tác động trực tiếp đến đối tượng sử dụng đất, các thành phần kinh tế, đặc biệt là đời sống của các hộ gia đình.

Theo Bí thư Đảng ủy phường Yên Sở Vũ Minh Tú, thực tế cho thấy, hầu như các công trình, dự án trên địa bàn phường khi thực hiện giải phóng mặt bằng đều có những khó khăn, vướng mắc, như: Việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, đơn giá tài sản, cây cối để tính bồi thường; việc hỗ trợ giá định cư… Trong khi đó, nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân trong việc thực hiện chủ trương thu hồi đất và chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa cao, gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Khối lượng công việc đã nhiều lại càng nhiều hơn là thách thức buộc đội ngũ cán bộ của phường phải vượt qua.

Bên cạnh đó, từ vụ cháy xảy ra ở số nhà 207 phố Định Công Hạ - phường Định Công vào ngày 16-6-2024 cho thấy, đặc thù địa bàn “đất chật, người đông”, có nhiều nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Theo số liệu điều tra cơ bản, trên địa bàn quận Hoàng Mai hiện có 74.414 nhà để ở, 5.766 nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Như địa bàn phường Định Công, có đặc thù diện tích rộng, đường nhỏ, đông dân, hạ tầng kỹ thuật không bảo đảm do nhiều khu đất nằm trong quy hoạch "treo", nên dù phường đã tích cực triển khai các giải pháp, vẫn hiện diện nỗi lo về cháy nổ.

Với trách nhiệm quản lý được giao, đội ngũ cán bộ phường Định Công thường xuyên đi cơ sở để kiểm tra, tuyên truyền, vận động hộ gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy xách tay, 1 dụng cụ phá dỡ chuyên dụng, mở lối thoát nạn thứ 2 và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Công việc này cần phải duy trì thường xuyên, liên tục nếu không sẽ rơi vào tình trạng “bắt cóc, bỏ đĩa”, kém hiệu quả. Trong khi đó, lực lượng làm nhiệm vụ còn mỏng, lại phải cáng đáng nhiều phần việc khác...

(Còn nữa)

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn:

Khối lượng công việc tại các phường thuộc quận Hoàng Mai là rất lớn. Số lượng biên chế công chức làm việc bình quân tại các phường dù đã được tăng lên 23 người/phường, nhưng về cơ bản bằng mức bình quân công chức cấp xã và thực tế chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đối với các phường có quy mô dân số lớn. Mặt khác, cán bộ, công chức phường ngoài các nhiệm vụ theo chuyên môn được tuyển dụng đều được giao thêm nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt tình hình tại các tổ dân phố, trong khi chế độ chính sách không có gì thay đổi, nên chưa động viên được lực lượng cán bộ, công chức phường tận tâm, tận lực trong công tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán quá tải đô thị ở quận Hoàng Mai: Cần giải pháp căn cơ, đột phá Bài 3: Cán bộ gồng mình “gánh” việc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.