Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá vàng và USD biến động: Ai thiệt, ai lợi?

Đức Anh| 22/02/2013 08:13

(HNM) - Giá vàng trong nước tăng, giảm thất thường, nhưng tiếp tục bỏ xa giá thế giới, trong khi giá USD tăng mạnh sau thời kỳ dài nghỉ Tết Nguyên đán. Thế nhưng, bất chấp giá vàng trong nước quá cao, giá USD tăng, người dân vẫn mua vàng và ngoại tệ trong dịp đầu năm mới Quý Tỵ…

Nếu như mấy tháng trước Tết Nguyên đán, thị trường vàng, ngoại tệ khá trầm lắng vì lượng người giao dịch ít, thì chỉ chưa đầy 1 tuần sau kỳ nghỉ Tết, cả 2 thị trường đều sôi động. Chỉ tính riêng trong ngày đầu tiên làm việc (ngày 18-2), tại hầu hết các cửa hàng kinh doanh vàng, người dân xếp hàng để mua nhẫn nhằm cầu tài. Nhiều cửa hàng đông khách đến mức không có đủ nhẫn để bán, phải phát tích kê hẹn khách hàng sang ngày hôm sau.

Giá vàng dao động ở mức cao. Ảnh: Như Ý


Đã lâu rồi trên thị trường vàng mới diễn ra tình trạng người dân "rồng rắn" mua nhẫn, cũng vì vậy, không chỉ nhẫn vàng mang thương hiệu SJC, hầu hết các thương hiệu khác đều hút khách. Cầu tăng, trong khi cung có hạn khiến giá vàng trong nước ngày càng cách xa so với giá thế giới. Từ khoảng cách hơn 3 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước nới rộng mức chênh so với giá thế giới lên hơn 4 triệu đồng/lượng, rồi tiến sát khoảng cách "kỷ lục" là 5 triệu đồng/lượng. Song, điều đáng ngạc nhiên là giá vàng càng tăng cao, người dân càng đẩy mạnh mua vàng.

Mặc dù giá vàng trong nước tăng, giảm theo giá thế giới, nhưng mức giảm không mạnh như giá vàng thế giới. Ngày 21-2, giá vàng trong nước giảm, với mức hơn 400 nghìn đồng/lượng so với chiều ngày 20-2. Cụ thể, trên thị trường Hà Nội, vào lúc 11h giá vàng miếng SJC được giao dịch phổ biến ở mức 44,62 triệu đồng/lượng (mua vào) - 44,72 triệu đồng/lượng (bán ra). Đến 15h cùng ngày, giá vàng là 44,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 44,87 triệu đồng/lượng (bán ra

. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng mất gần 50 USD/ounce, lùi xa khỏi ngưỡng 1.600 USD/ounce, chỉ còn giao dịch ở mức 1.566 USD/ounce (thời điểm 13h30 giờ Việt Nam). Quy đổi ra VND theo tỷ giá của Vietcombank là 20.930 VND/USD, hoặc thậm chí tỷ giá của thị trường tự do là 21.100 VND/USD, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới tới 5 triệu đồng/lượng. Rõ ràng, khoảng cách giữa 2 thị trường ngày càng xa, từ hơn 1 triệu đồng, rồi 2 triệu đồng… đến nay, giá vàng trong nước đã chênh so với thế giới tới 5 triệu đồng/lượng. Mức giá giữa 2 thị trường càng nới rộng, người dân lại càng muốn găm vàng với tâm lý cho "chắc". Cùng với những kênh đầu tư khác như bất động sản, tiết kiệm hay chứng khoán, một số người dân lại muốn tích trữ thêm vàng nhằm chia nguồn tiền thành nhiều "giỏ". Hơn nữa, từ trước đến nay, vàng vốn là kênh đầu tư được đánh giá là an toàn nhất, bảo toàn dòng tiền tốt nhất, bất chấp "sức khỏe" của nền kinh tế.

Không biến động nhiều như vàng, nhưng đồng USD cũng tăng giá sau những ngày nghỉ trên cả thị trường chính thức và "chợ đen". Ngày 21-2, trên thị trường chính thức, cụ thể là tại Vietcombank, giá USD được niêm yết ở mức: 20.850 VND/USD (mua vào) - 20.930 VND/USD (bán ra), giảm khoảng 20 VND/USD so với ngày 20-2 nhưng vẫn cao hơn so với thời gian trước Tết. Tại một số đại lý thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung, đồng USD được giao dịch phổ biến với giá 21.060 VND/USD (mua vào) - 21.100 VND/USD (bán ra). Trước đó, trong nhiều tháng liền, giá USD được duy trì ổn định dưới ngưỡng 21.000 VND/USD, giao dịch ở 20.800 VND/USD (mua vào) - 20.880 VND/USD (bán ra). Giá USD không biến động trong suốt một thời gian dài khiến đồng tiền "vua" này không còn là sự lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư cá nhân. Giới doanh nghiệp cũng không tích trữ USD bằng mọi giá để tránh biến động tỷ giá.

Tình trạng "đô la hóa" nhờ đó cũng giảm mạnh so với trước, nên thị trường "chợ đen" gần như không hoạt động. Tuy nhiên, trong những ngày đầu xuân Quý Tỵ, thị trường ngoại tệ trở lại sôi nổi. Có vẻ như cũng nhờ tăng giá, đồng USD lại hấp dẫn người dân. Theo nhiều chuyên gia, việc người dân chuyển sang mua ngoại tệ, nhất là đồng USD khiến thị trường tự do hoạt động mạnh trở lại và đồng USD nhờ đó cũng tăng giá. Phản ứng này của thị trường không phải ngẫu nhiên khi có thông tin dự báo từ giới chuyên gia về việc đồng USD sẽ tăng giá trong năm 2013. Những thông tin này tác động mạnh đến tâm lý thị trường, đẩy một khối lượng lớn người dân, cũng như doanh nghiệp chuyển sang mua USD. Tuy nhiên, việc đồng USD tăng giá chưa đáng ngại, bởi mức tăng chưa lớn và khoảng cách giữa thị trường chính thức và tự do vẫn ở ngưỡng chấp nhận được là 150-170 VND/USD. Hơn nữa, đồng USD đã ổn định trong một thời gian dài nên việc đồng tiền này được điều chỉnh tăng cũng là hợp lý.

Giá vàng đã cách quá xa so với thế giới, trong khi đồng USD tăng giá, liệu 2 kênh đầu tư này có tiếp tục bị "thổi" giá hay không trong thời gian tới tùy thuộc vào thái độ của giới đầu tư. Nếu nhà đầu tư "đổ xô" mua vàng bất chấp khoảng cách bất hợp lý giữa 2 thị trường, hay mua USD chỉ để "găm" sẽ khiến những thị trường này càng trở nên bất hợp lý và tiền sẽ chỉ "rơi" vào tay giới đầu cơ, còn người dân sẽ chịu thiệt khi vàng, USD "hạ nhiệt".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá vàng và USD biến động: Ai thiệt, ai lợi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.