Thị trường

Giá vàng “hạ nhiệt” ngay khi có kết quả trúng thầu

Hà Linh 23/04/2024 - 15:04

Sáng 23-4, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên năm 2024 tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước (Hà Nội), với sự tham gia của 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp dự thầu. Ngay sau khi có kết quả trúng thầu, giá vàng trong nước đã “hạ nhiệt”.

34 lô vàng trúng thầu

Kết quả có 2 thành viên trúng thầu, với tổng khối lượng trúng thầu là 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất 81.330.000 đồng/lượng; giá trúng thầu thấp nhất 81.320.000 đồng/lượng.

v5.jpg
Giao dịch tại một cửa hàng vàng. Ảnh: Hương Thủy

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đấu thầu vàng miếng nhằm thực hiện quyết liệt giải pháp tăng cung vàng miếng ra thị trường. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo rộng rãi đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đủ điều kiện để đăng ký dự thầu và đặt cọc ngay trong ngày thứ hai, 22-4. Tổng khối lượng vàng miếng đưa ra đấu thầu ngày 23-4 là 16.800 lượng. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng/lô. Loại vàng miếng bán là vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất.

Hình thức đấu thầu là đấu thầu theo giá, đơn vị tham gia đấu thầu sẽ phải đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc: 80,7 triệu đồng/lượng (giảm so với mức 81,8 triệu đồng/lượng theo dự kiến trước đó cho phiên đấu giá ngày 22-4 đã hủy). Giá này chỉ phục vụ việc tính đặt cọc.

Khối lượng tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là khối lượng đặt thầu dự kiến của mỗi thành viên. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng). Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu: 20 lô (tương đương 2.000 lượng). Bước giá dự thầu: 10.000 đồng/lượng. Bước khối lượng dự thầu: 1 lô (100 lượng). Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Theo ghi nhận, tại Hà Nội, trước phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước diễn ra sáng 23-4, giá vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm so với ngày trước đó. Ghi nhận lúc 9h30, các cơ sở kinh doanh vàng của Công ty Bảo Tín Minh Châu (phố Trần Nhân Tông, Hà Nội) đã điều chỉnh mức giá vàng miếng SJC giảm 500.000 đồng/lượng (mua vào) và 300.000 đồng/lượng (bán ra). Giá niêm yết sau khi điều chỉnh: 81.150.000 đồng/lượng (mua vào) – 83.400.000 đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 81 - 83,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 500.000/lượng với chiều bán ra.

Cùng chiều với vàng miếng, vàng nhẫn cũng được điều chỉnh mạnh. Cụ thể, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu giảm 740.000 đồng/lượng ở cả giá bán và giá mua, kéo giá vàng nhẫn xuống 74.540.000 đồng/lượng (mua vào) – 76.220.000 đồng/lượng (bán ra); Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI giao dịch giá nhẫn tròn 9999 là: 74.650.000 đồng/lượng (mua vào) - 76,35 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 900.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra.

Người đi mua vàng không nhiều

Đại diện một số cửa hàng kinh doanh vàng trên phố Trần Nhân Tông cho biết, các nhà đầu tư đều chờ thông tin đấu thầu vàng miếng, nên lượng người đến mua không nhiều.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam đánh giá, đấu thầu vàng là một trong những giải pháp để tạo nguồn cung nhanh nhất cho vàng miếng SJC. Để hạ "cơn sốt” giá vàng hiện nay, đây là biện pháp cần thiết.

Đây không phải lần đầu tiên diễn ra các phiên đấu thầu vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước từng sử dụng giải pháp này năm 2013, với hàng chục phiên, giúp giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước đẩy một khối lượng vàng vào thị trường sẽ làm giảm nhiệt "cơn sốt" hiện nay. Hiện tại, nguồn cung hạn chế và sức cầu tăng cao, tạo nên sự bất ổn trên thị trường vàng, đẩy giá lên cao. Vì vậy, khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu, đưa một lượng vàng lớn vào lưu thông sẽ làm giá vàng giảm.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 22-3, ngay sau khi mở cửa giao dịch, giá vàng miếng SJC đã ghi nhận mức giảm tới 1,7 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày đóng cửa cuối tuần trước, về mức 82,8 triệu đồng/lượng (bán ra). Song, sau khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước hủy phiên đấu thầu ngày 22-4, giá vàng miếng SJC lại tăng tới 700.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, thị trường vàng trong nước "nhất cử nhất động" đều chờ kết quả của phiên đấu thầu vàng, cho thấy thị trường đang trong giai đoạn rủi ro cao. Chính vì vậy, các nhà đầu tư vào kim loại quý này, đặc biệt là các nhà đầu tư lướt sóng cần thận trọng nắm bắt thông tin để đưa ra quyết định phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trường hợp không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước quyết định hủy kết quả thầu.

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp có thể tạo ra tác động tâm lý trong ngắn hạn. Xoá bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và vàng thế giới cần biện pháp thương mại, theo thông lệ quốc tế. Tức là sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá vàng “hạ nhiệt” ngay khi có kết quả trúng thầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.