Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá lúa gạo xuất khẩu tăng: Ai hưởng lợi?

Đào Huyền| 28/10/2013 06:17

(HNM) - Giá lúa gạo xuất khẩu tăng đem lại siêu lợi nhuận cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng nông dân lại được hưởng lợi ít nhất.



Đó cũng là nội dung tại hội thảo "Ai được hưởng lợi khi giá lúa gạo tăng" do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Tổ chức Oxfam Việt Nam vừa diễn ra mới đây...

Dù là người trực tiếp làm ra sản phẩm nhưng thu nhập của người dân trồng lúa vẫn không được cải thiện. Ảnh: Đức Toàn


Nông dân chịu nhiều thiệt thòi

Thời gian qua, hàng loạt chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho sản xuất và xuất khẩu lúa gạo được đưa ra nhưng hiệu quả không cao bởi chưa đến được trực tiếp với người trồng lúa dù theo quy định phải bảo đảm lợi nhuận cho người trồng lúa ít nhất 30% giá thành. Tuy nhiên trên thực tế, mức lãi này khó có thể đạt vì giá thành sản xuất lúa không tính đến các nhân tố như lao động gia đình, phí thuê đất và lãi suất vay, các chi phí vận chuyển… Ngoài ra, việc áp dụng cùng một mức giá thành sản xuất lúa cho một khu vực là không hợp lý bởi mỗi nơi có một đặc thù khác nhau.

Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Oxfam, thu nhập trung bình từ trồng lúa của các hộ dân Đồng bằng sông Cửu Long (vùng có lợi thế sản xuất lúa tốt nhất cả nước) chỉ đạt 535.000 đồng/người/tháng, tương đương với một nửa mức lương tối thiểu. Với thu nhập như vậy, các hộ sản xuất quy mô dưới 2ha không thể sống dựa vào thu nhập từ trồng lúa.

Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), kết quả phân tích chuỗi giá trị xuất khẩu gạo tại tỉnh An Giang cho thấy, nông dân thường chỉ nhận được dưới 30% lợi nhuận, phần còn lại do các trung gian và DN xuất khẩu được hưởng. Do quy mô nhỏ, manh mún, thời điểm thu mua khác nhau cộng với vận chuyển khó khăn, các hộ sản xuất không thể bán trực tiếp cho DN xuất khẩu được nên lợi nhuận phải chia cho các thương lái trung gian. Dù vậy, mức lợi nhuận trên là không hợp lý khi người trồng lúa phải bỏ ra tới 60-70% tổng chi phí sản xuất, chưa kể đến những rủi ro lớn từ thời tiết, dịch bệnh…

Cần tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Ông Andy Baker, Trưởng đại diện Oxfam tại Việt Nam cho rằng, Nghị định 63/CP quy định phải giữ ổn định 3,8 triệu héc ta đất lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới đây của Oxfam cho thấy, hiện Việt Nam đang xuất khẩu từ 6 đến 7 triệu tấn gạo/năm với mức giá vào loại thấp nhất thế giới. Do đó, xét về cân đối cung cầu lương thực thì khi giảm đất lúa xuống 3 triệu héc ta vẫn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Đặc biệt, thu nhập người trồng lúa thấp hơn nhiều so với một số cây rau, màu khác, vì vậy Việt Nam nên có định hướng chuyển đổi phù hợp.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu thực trạng, các DN xuất khẩu ít đầu tư cho nông dân. Hiện các DN đã bước đầu gắn kết với nông dân thông qua việc cung cấp đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm, nhưng tỷ lệ thấp, chỉ đạt 5-7%. Hầu hết nông dân bán lúa, gạo thông qua thương lái chứ không tiếp cận được DN lớn.

Để từng bước giải quyết các bất cập trên, nhiều ý kiến đề xuất Nhà nước cần thành lập Ban Điều hành lúa gạo với sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân, chịu trách nhiệm dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, quy hoạch vùng trồng lúa. Đặc biệt, cần nhấn mạnh vai trò thực sự của nông dân trong quá trình điều hành xuất khẩu gạo để bảo đảm lợi ích cho họ. Các chính sách trước khi áp dụng cần được thí điểm bằng mô hình tại một số địa phương sau đó rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng.

Ông Andy Baker cho biết thêm, các chính sách về điều hành xuất khẩu, sản xuất lúa gạo Việt Nam khi áp dụng cần được thường xuyên đánh giá bằng cơ quan độc lập. Đặc biệt, cần minh bạch trong việc xuất khẩu gạo giữa các DN để tăng khả năng cạnh tranh. Để mọi thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo đều được hưởng lợi và ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững, liên bộ, hiệp hội, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và đại diện người trồng lúa phải cùng thống nhất thảo luận xây dựng nguyên tắc, phương pháp và lộ trình thực hiện mới cho hiệu quả.

10 tháng, cả nước xuất khẩu khoảng 5,85 triệu tấn gạo

(HNM) - Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, 10 tháng năm 2013 cả nước xuất khẩu khoảng 5,85 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 2,57 tỷ USD, giảm 15,2% về khối lượng và 18% về giá trị so với cùng kỳ năm trước (riêng trong tháng 10 xuất được 526 nghìn tấn, giá trị 234 triệu USD). Giá gạo xuất khẩu đang có chiều hướng tiếp tục giảm, hiện trung bình đạt gần 430 USD/tấn, giảm hơn 13 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với số lượng nhập hơn 1,76 triệu tấn, đạt 732 triệu USD, chiếm 31,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước trong 9 tháng. Bộ NN&PTNT khuyến cáo các doanh nghiệp khi xuất khẩu gạo sang Trung Quốc phải có hợp đồng chặt chẽ, tránh những tổn thất do phía đối tác hủy hợp đồng hoặc có nhiều yêu cầu gây khó khăn trong quá trình xuất khẩu.

Đỗ Minh
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá lúa gạo xuất khẩu tăng: Ai hưởng lợi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.