(HNM) - Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thô giao tháng 11 trên sàn giao dịch New York lại tiếp tục giảm thêm 0,16%, xuống 102,87 USD/thùng và ghi nhận mức thấp nhất kể từ ngày 30-7.
Không khí có phần chùng xuống tại các sàn giao dịch dầu mỏ khắp thế giới là một diễn biến bình thường mỗi khi giá dầu thiết lập chu kỳ điều chỉnh giảm. Chuyện lên, xuống của thị trường cũng không phải là điều gì lạ lẫm khi đã trở thành quy luật tất yếu trong kinh doanh. Thế nhưng, vấn đề đang được quan tâm nhất là yếu tố gì đã khiến giá vàng đen chạm đáy của 8 tuần sau khi đã từng có những thời điểm tăng đột biến cách đây chưa lâu?
Sự ấm lên trong quan hệ Mỹ - Iran đã tác động mạnh đến thị trường dầu thô. |
Từ lâu nay, dầu mỏ không phải là mặt hàng thông thường mà được xem là hàng hóa chiến lược. Tầm quan trọng của dầu mỏ khiến thị trường đặc biệt này vô cùng nhạy cảm với bất kỳ biến động nào của thế giới. Đợt xuống giá đang diễn ra cũng không là ngoại lệ. Nếu như đã từng nhảy vọt tới mức được dự báo sẽ bước vào cơn bão giá mới ở thời điểm Syria đứng trước bờ vực của một cuộc tấn công quân sự thì đến nay, khi đạt được một thỏa thuận giải quyết vấn đề vũ khí hóa học ở quốc gia Trung Đông đã trở thành tác nhân khiến vàng đen sụt giá. Thị trường bớt lo ngại về nguy cơ bất ổn tại Syria có thể lan rộng, kéo dài ảnh hưởng tới nguồn cung từ rốn dầu Trung Đông. Các sàn giao dịch dầu mỏ trên toàn cầu trở nên bình lặng hơn. Trong tuần qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã khai mạc khóa họp thứ 68. Tại diễn đàn đa phương thường niên lớn nhất thế giới này, Nga, Mỹ và nhiều thành viên LHQ khác đã bày tỏ những quan điểm tích cực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria bằng các giải pháp chính trị. Không khí thiện chí đã khiến Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết lịch sử yêu cầu tiêu hủy các kho vũ khí hóa học của Damascus. Đây là lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột Syria nổ ra hơn hai năm trước, các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đạt được sự đồng thuận cao về một văn bản có tính ràng buộc mạnh mẽ về số phận của quốc gia Trung Đông. Trước đó, Nga và Trung Quốc từng ba lần sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ những nghị quyết liên quan đến Syria. Bước đột phá tích cực này góp phần tháo gỡ căng thẳng giữa hai quốc gia luôn đối nghịch về quan điểm trong vấn đề Syria. Đồng thời, văn bản này cũng là cam kết ngoại giao cao nhất mà thế giới đạt được để tìm kiếm hòa bình cho Damascus.
Phải nói rằng, việc Syria tránh được một cuộc tấn công quân sự trong gang tấc đã có tác động tâm lý mạnh mẽ tới các nhà đầu tư. Song, triển vọng nguồn cung dồi dào tại khu vực cung cấp 35% nhu cầu dầu mỏ thế giới còn được hỗ trợ bởi những tín hiệu tích cực từ quan hệ Mỹ-Iran. Sau một thời gian dài đối đầu, trong những ngày gần đây, khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran đã phát đi những tín hiệu khả quan. Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố không từ bỏ đàm phán, các quốc gia trong nhóm P5+1 đã ấn định thời gian đối thoại vào giữa tháng 10 tới hay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng nhiệm Iran Mohammad Javad Zarif đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên từ năm 1979. Thế nhưng, cuộc điện đàm lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Iran Hassan Rouhani được xem là động thái rõ ràng nhất chứng minh cho những chuyển động lạc quan. Là một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn tại vùng Vịnh và là nơi có eo biển Hormuz - tuyến vận tải dầu mỏ quan trọng bậc nhất thế giới đi qua, căng thẳng lắng dịu tại Iran được nhìn nhận là sẽ giảm áp lực về nguồn cung đối với dầu thô thời gian tới. Nếu sự ấm lên trong mối quan hệ giữa Iran và phương Tây có thể dẫn đến khả năng nới lỏng lệnh cấm bán dầu thô đang được áp đặt thì cũng có nghĩa là, một lượng lớn những thùng dầu của Iran sẽ xuất hiện trở lại trên thị trường thế giới.
Bầu không khí chính trị quốc tế dễ chịu dù không hỗ trợ trực tiếp cho sự suy giảm giá dầu, nhưng được cho là mang đến sự ổn định lâu dài trên thị trường vàng đen. Giá dầu ở mức hợp lý cũng sẽ trợ giúp tích cực cho sự hồi phục của nền kinh tế thế giới trong điều kiện đà tăng trưởng vẫn còn ì ạch ở nhiều quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.