(HNMO) - Sống trong thời buổi công nghệ, khi mà ai ai cũng đều có smartphone (điện thoại thông minh) trong tay thì việc quay clip, chụp ảnh không phải là điều xa lạ. Tuy nhiên, có bao giờ bạn tự hỏi rằng, chúng ta đã có thái độ và cách ứng xử thích hợp với hành động này chưa?
Sống trong thời buổi công nghệ, khi mà ai ai cũng đều có smartphone (điện thoại thông minh) trong tay thì việc quay clip, chụp ảnh không phải là điều xa lạ. Tuy nhiên, có bao giờ bạn tự hỏi rằng, chúng ta đã có thái độ và cách ứng xử thích hợp với hành động này chưa?
Tôi đã nhiều lần chứng kiến khi có tai nạn giao thông xảy ra trên đường, trong đám đông xúm vòng trong vòng ngoài đó phần lớn chỉ thấy người người lôi điện thoại ra chụp ảnh, quay clip. Thậm chí còn có những chiếc xe ô tô đi chậm, người ngồi trên xe hạ cửa kính để thò điện thoại ra quay. Họ sẵn sàng trực chiến để “tác nghiệp” nhưng không tham gia cứu người.
Mới đây, khi dư luận bàng hoàng trong vụ tai nạn ở Long An, rất nhiều người có mặt ở đó nhưng chỉ có ít người giúp đỡ các nạn nhân, số còn lại đứng lặng yên bàn tán, rồi lôi điện thoại ra chụp, quay clip, chia sẻ trên mạng cho “hot”. Đến nỗi, báo chí đã giật tít: Anh xe ôm đưa nạn nhân vụ tai nạn Long An đi viện: “Cứu người thì ít, chụp ảnh thì nhiều”…
Không chỉ “cứu người thì ít, chụp ảnh thì nhiều” trong vụ tai nạn ở Long An mà sự thực là trong xã hội Việt Nam hiện nay, một số người suy nghĩ khá ích kỷ, coi thường phép lịch sự trong giao tiếp. Dường như họ chỉ nghĩ đến mình mà không coi trọng cách ứng xử với người khác, vô cảm với cảm xúc của người khác.
Điển hình là vụ việc xảy ra ở sân bay Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, một nhóm thanh niên đã lao vào hành hung các nữ nhân viên hàng không chỉ bởi một lý do hết sức “lãng xẹt”: Bị từ chối lời mời chụp ảnh cùng.
Dễ thấy trên mạng xã hội giờ đây nhan nhản các “kênh” chuyên tổ chức ghi clip rồi “chế cháo” để thu hút sự tò mò của người xem. Dường như, tất tật những gì diễn ra trong cuộc sống hằng ngày đều có thể bị chiếc camera bé xíu ở điện thoại đưa vào tầm ngắm.
Nào là cảnh “lộ hàng” của người nổi tiếng; cảnh nữ sinh đánh nhau, lột đồ; rồi hình ảnh của cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ, công chức đang làm việc trong trụ sở… Người ta chụp ảnh, quay clip rồi “quăng” chúng lên mạng xã hội để câu like, câu view, để cư dân mạng bàn tán... Hiện tượng này đang ngày càng nở rộ, đến mức trở thành một trào lưu.
Rõ ràng, khi xã hội càng hiện đại thì càng xuất hiện nhiều yếu tố gây nhiễu cho sự phát triển nhân cách của một số người. Những người vô cảm này hành xử như thế ngoài mục đích là để kiếm tiền từ quảng cáo, còn là để thỏa mãn “cái tôi” ích kỷ của mình. Họ thản nhiên lấy sự đau đớn, bất lực, tai nạn của người khác để thu hút dư luận vào mình, để mua vui. Nhưng vui thì ít mà nhiều clip đã để lại không ít hậu quả vô cùng đau xót. Thậm chí đã có những cái chết đau lòng do không chịu nổi áp lực từ mạng xã hội…
Cũng cần phải nói thêm rằng, hành vi chụp ảnh, quay clip không chỉ vô tâm với cộng đồng mà rất nhiều người còn “tác nghiệp” một cách thiếu văn hóa. Nhiều trường hợp cứ hễ bị cảnh sát giao thông kiểm tra là lập tức rút điện thoại ra.
Người ta vin vào cái quyền công dân của mình để hùng hổ quay phim, chụp ảnh hòng uy hiếp người thi hành công vụ. Họ gí sát điện thoại vào mặt các cảnh sát giao thông để quay. Hành động này phản cảm đến mức có ý kiến đã bình luận rằng: “Muốn quay phim cũng phải có tí nghiệp vụ hoặc cho nó khéo chứ cứ gí cái điện thoại vô mặt người ta như thế kia là không được”.
Vẫn biết việc quay phim, ghi hình nơi chốn công cộng không bị pháp luật cấm. Chẳng hạn như luật pháp hiện hành không cấm người dân quay phim, chụp ảnh, giám sát lực lượng cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ. Khi làm nhiệm vụ là họ đại diện cho Nhà nước để thực thi công vụ, không đứng dưới tư cách cá nhân nên không thuộc phạm vi bí mật đời tư. T
heo pháp luật hiện hành, người dân có quyền được giám sát các hoạt động công khai của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, cần nhớ là khi ghi âm, chụp hình không được làm ảnh hưởng, cản trở công việc của cơ quan chức năng.
Đồng thời cần lưu ý những trường hợp được coi là bí mật Nhà nước; các khu vực an ninh, quốc phòng hay các nơi có biển cấm hoặc quy định hạn chế quay phim, chụp hình thì bắt buộc phải có sự cho phép của cơ quan chức năng, của đơn vị có thẩm quyền.
Ngoài ra còn phải tuân thủ điều kiện về việc sử dụng các loại thiết bị, phần mềm theo quy định của pháp luật về việc kinh doanh và sử dụng các loại các loại thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình.
Trở lại với khía cạnh văn hóa ứng xử. Người Việt Nam khi giao tiếp, nói năng, hành động đều phải cân nhắc “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Cha ông ta đã dạy, ứng xử có văn hóa chính là thể hiện sự tôn trọng người khác và cũng là sự tự trọng bản thân, bởi vậy luôn đặt mình vào địa vị của người khác để có những ứng xử phù hợp. Người lịch sự, biết đối nhân, xử thế chính là người hiểu biết về các phong tục, quy tắc của đời sống.
Khi giao tiếp với xã hội luôn biết tuân theo những chuẩn mực nhất định, ở các không gian công cộng thì luôn biết hành động theo các quy ước, nội quy của nơi đó. Cũng giống như khi ta đến chơi nhà ai đó, phải biết tôn trọng chủ nhà và tôn trọng những thứ thuộc về gia chủ, như dân gian vẫn nói “nhập gia tùy tục”.
Năm 2017, TP Hà Nội đã ban hành bộ “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội”. Đây là bộ quy tắc được nghiên cứu rất công phu, thận trọng, thể hiện rõ nét văn hóa và con người Hà Nội; được coi như “cẩm nang” ứng xử văn hóa của cán bộ, công chức Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố.
Rõ ràng, chẳng phải ngẫu nhiên mà Hà Nội xây dựng và quyết tâm đưa hai bộ quy tắc ứng xử này đi vào cuộc sống. Nó góp phần tạo nên các mối quan hệ đẹp có văn hóa, có đạo đức trong cộng đồng dân cư, không chỉ trong môi trường gia đình, trường học mà còn ở cả những không gian công cộng. Có ứng xử văn hóa, tôn trọng người khác thì mới nhận được sự tôn trọng trở lại. Khi mọi người đều biết tôn trọng lẫn nhau thì đấy sẽ là cơ sở để xã hội phát triển lành mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.