Chính trị

Tòa án sẽ ghi âm lời nói, ghi hình ảnh để phục vụ công tác nghiệp vụ

Mai Hữu 26/03/2024 - 20:21

Ngày 26-3, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 đã thảo luận một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

dsc_4931.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 153 điều. Đây là dự án Luật lớn, có nhiều chính sách, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, liên quan đến tổ chức và hoạt động của một số cơ quan và liên quan tới nhiều luật khác.

Đáng chú ý, về đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, việc đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh thành phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp huyện thành sơ thẩm nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các tòa án này không thay đổi. Các tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh, Tòa án nhân dân phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án. Quy định như dự thảo Luật không thống nhất với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương, mặt khác, phải sửa đổi nhiều đạo luật có liên quan, phát sinh chi phí tuân thủ...

Vì vậy, tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện.

Về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, đa số Thường trực Ủy ban Tư pháp thấy rằng tại phiên tòa, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh là bảo đảm hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật; nhưng đồng thời, phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa.

Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “yêu cầu nghiên cứu, rà soát nội dung này, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi cho các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình”, Thường trực Ủy ban Tư pháp và Tòa án nhân dân Tối cao thống nhất đề xuất chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh… “trong thời gian tuyên án, công bố quyết định”; trường hợp cần thiết thì Tòa án ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp…

nguyenthivietnga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) thảo luận.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) lựa chọn phương án giữ nguyên tổ chức Tòa án ở địa phương hiện nay gồm Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện. Vì có thể thấy hiện nay, mặc dù tên gọi của Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện gắn với đơn vị hành chính địa phương nhưng hoạt động của Tòa án vẫn độc lập với bộ máy chính quyền địa phương, về cơ cấu tổ chức vẫn thuộc sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn của Tòa án nhân dân Tối cao, công tác điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được thực hiện theo ngành dọc mà không chịu sự chi phối của chính quyền địa phương. Hệ thống tòa án hiện nay hoạt động ổn định, hiệu quả và có sự thống nhất giữa các văn bản có liên quan trong hệ thống pháp luật.

“Do đó, để tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”, hạn chế phát sinh các chi phí do thay đổi tên gọi, thống nhất với một số cơ quan khác có liên quan, sự thay đổi này là không cần thiết, việc đổi mới không tạo những chuyển biến khác biệt trong công tác xét xử”, đại biểu Đoàn Hải Dương nói.

nguyenhoabinh.jpg
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, khi tổ chức phiên tòa, Hội đồng xét xử phải bảo đảm 3 yêu cầu, gồm: Đúng luật, chất lượng và nghiêm túc. Vậy nên, Hội đồng xét xử phải quy định việc đưa tin, truyền thông về phiên tòa.

"Nếu tổ chức phiên tòa mà vi phạm quyền con người là tòa vi phạm. Ví dụ phiên tòa ly hôn, vợ nói thế này, chồng nói thế kia, toàn bộ vụ việc được ghi âm, ghi hình rồi đưa lên mạng là rất phức tạp, vi phạm quyền con người. Người ta cũng không muốn cho xã hội biết vợ chồng họ có bao nhiêu tài sản, lý do tại sao mà phải ly hôn... Rất nhạy cảm xung quanh câu chuyện này", Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nói.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện khi chủ tọa phiên tòa cho phép nhằm bảo đảm cho các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung cao nhất cho quá trình xét xử, chứ không phải để làm hình ảnh trước truyền thông.

Cũng theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Tòa án nhân dân Tối cao sẽ bổ sung vào dự thảo luật quy định tòa án sẽ ghi âm lời nói, ghi hình ảnh để phục vụ công tác nghiệp vụ và lưu trong hồ sơ vụ án, khi sử dụng những tư liệu này phải bảo đảm quyền con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án sẽ ghi âm lời nói, ghi hình ảnh để phục vụ công tác nghiệp vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.