Hà Nội kết nối

Gặp những người trẻ say mê bảo tồn động thực vật hoang dã

Nhóm phóng viên 14/06/2024 20:27

Họ là những người chỉ khoảng 30 tuổi, đến từ nhiều vùng của đất nước, nhưng cùng chung niềm đam mê góp sức bảo vệ sự đa dạng của thiên nhiên hoang dã, hướng tới phát triển bền vững.

a147.jpg
Những bạn trẻ tại Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam. Ảnh: CV.

Chung niềm đam mê

“Anh biết không, chỉ có ở Việt Nam mới có gà lôi lam mào trắng, nhưng để nghiên cứu và bảo tồn loài này, các nhà khoa học đã phải sang Pháp để được tiếp cận với tài liệu và giống gà quý hiếm này. Quỹ của tụi em (được Bộ Nội vụ ban hành quyết định thành lập năm 2021 và hoạt động từ năm 2022) đã tài trợ 6 tỷ đồng cho dự án Bảo tồn Gà lôi lam mào trắng tại tỉnh Quảng Bình”, Phó Giám đốc Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam (gọi tắt là Quỹ) Đoàn Nguyễn Xuân Mai đã bắt đầu câu chuyện như thế với chúng tôi.

Gà Lôi lam mào trắng vốn có rất nhiều ở Bắc miền Trung Việt Nam, được biết đến từ cuối thế kỷ XIX và được người Pháp đưa gà giống về Paris nghiên cứu. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khu vực này là vùng bom đạn ác liệt, nên giống gà quý hiếm này gần như biến mất. Đến năm 1986, người dân Quảng Trị mới thấy lại giống gà này với số lượng rất ít trong tự nhiên.

a150.jpg
Các nhà khoa học Việt Nam đang nỗ lực đưa gà lôi lam mào trắng trở lại môi trường tự nhiên ở Bắc Miền Trung để bảo tồn loài gà quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng này. Ảnh: CV.
a151.jpg
Bàu Sấu ở Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) là môi trường sinh sống tự nhiên của hàng nghìn con cá sấu. Ảnh: CV.

“Khi thế giới biết đến tin này, các nhà khoa học đã rất háo hức tưởng rằng đó là loài mới, nhưng gần 1.000 cá thể này đã được nhân giống, nuôi nhốt ở Paris gần 100 năm qua. Năm 1989, Vườn thú Hà Nội nhận 4 cá thể về nuôi, nhưng ước mơ của các nhà khoa học Việt Nam là nhân giống loài gà này trong môi trường tự nhiên để phục hồi tập tính hoang dã, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của loài. Quỹ sẽ đồng hành cùng dự án đến năm 2027”, bà Đoàn Nguyễn Xuân Mai nói.

Không làm việc tại Quỹ, nhưng Phạm Huy Đức, một chàng trai Hà Nội, lại góp sức mình vào công cuộc bảo vệ động vật hoang dã theo một hướng khác. Đen nhẻm sau chuỗi ngày đi lại nhiều nơi ở Campuchia và Việt Nam, người cha của hai bé sinh đôi mới ra đời sôi nổi kể cho chúng tôi nghe về công việc của mình.

“Tụi em lần theo những thông tin trên mạng rao bán động vật hoang dã, động vật quý hiếm… và tìm đến người đang nuôi nhốt chúng. Bằng cách này hay cách khác, nhóm giải thích cho họ về việc cần bảo tồn giống loài để họ tự nguyện nộp lại cho chính quyền. Nếu phát hiện được nhóm buôn bán chuyên nghiệp, tụi em sẽ báo cho cơ quan chức năng vào cuộc”.

a152.jpg
Tại Đồng Nai, hiện có một quần thể voi châu Á hơn 20 con, cư trú chủ yếu giữa Vườn Quốc gia Cát Tiên và Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, đang được bảo vệ. Ảnh: SVW.

Trong khi đó, Phạm Thị Hà Nguyên (cán bộ nghiên cứu Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã Việt Nam) lại kể về việc thuyết phục bà con dân tộc thiểu số ở vùng rừng Đồng Nai phối hợp bảo vệ voi rừng. Theo đó, thay vì xua đuổi, bắt voi, bà con tham gia dự án trồng loại cây voi muốn ăn ở những vùng bảo vệ, để loài voi yên ổn sống giữa rừng, không tìm về buôn làng quấy phá...

Tiếp tục triển khai nhiều dự án ý nghĩa

Bà Đoàn Nguyễn Xuân Mai thông tin, từ năm 2024, Quỹ đã và sẽ chi hơn 21 tỷ đồng cho 4 dự án bảo tồn đa dạng sinh học gồm: Dự án bảo tồn gà lôi lam mào trắng ở Bắc Trung Bộ; Dự án Bảo tồn hệ sinh thái rừng, biển và các loài nguy cấp của bán đảo Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng); Dự án Tăng cường thực thi pháp luật nhằm bảo vệ các loài tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk) và Dự án bảo vệ rừng vùng thấp ở Đồng Nai thành nơi cư trú cho các loài bị đe dọa toàn cầu.

a153.jpg
Loài voọc quý hiếm ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) cũng đang được các bên phối hợp bảo tồn hiệu quả. Ảnh: VH.

Là người đang trực tiếp thực hiện việc bảo tồn, nhân giống gà lôi lam mào trắng tại Quảng Bình, Tiến sĩ Lê Trọng Trải thông tin, cùng với việc khôi phục tập tính tự nhiên từ những con gà nhập về từ Pháp vốn đã quen nuôi nhốt gần một thế kỷ qua, nhóm hy vọng, đến năm 2030, có thể gây dựng được 2-3 quần thể gà lôi lam mào trắng tồn tại bền vững trong tự nhiên.

Còn Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên Phạm Xuân Thịnh cho biết, Vườn Quốc gia Cát Tiên là một trong tám khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam, được giám sát sinh học từ đầu những năm 2000 đến nay, đã và đang trở thành ngôi nhà chung của những loài “không biết nói” trong tự nhiên, nhất là với các loài thú, linh trưởng, các loài chim và cá sấu…

“Chúng tôi đang cùng với các đối tác thực hiện các biện pháp bảo tồn toàn diện. Qua đó, phấn đấu đưa Vườn Quốc gia Cát Tiên trở thành một trong những điển hình các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý và bảo vệ đa dạng sinh học bền vững”, ông Phạm Xuân Thịnh nói.

a154.jpg
Ngày càng có nhiều bạn trẻ muốn tham gia bảo vệ thiên nhiên tươi đẹp. Ảnh: CV.

Tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, nhóm phóng viên viết bài đã cùng các bạn trẻ có một ngày “tắm rừng” đầy ý nghĩa. Đứng dưới những gốc cây nghìn năm tuổi, nghe tiếng chim hót ríu ran và tận mắt nhìn một gia đình vượn cùng nhau chuyền cành trên những ngọn cây vươn tít trời xanh. Phạm Lê Thành Trung, Chuyên viên truyền thông của Quỹ, chia sẻ: “Em có con nhỏ mới vài tuổi. Em mong con và các bạn cùng trang lứa khi lớn lên, cũng sẽ được nhìn ngắm khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và sống động thế này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp những người trẻ say mê bảo tồn động thực vật hoang dã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.