Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dừng thí điểm taxi công nghệ: Tạo sự bình đẳng và minh bạch

Lương Ninh Giang| 29/02/2020 06:41

(HNM) - Những tranh cãi giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ dường như đã sắp đến hồi kết sau khi Bộ Giao thông - Vận tải quyết định dừng Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng kể từ ngày 1-4-2020.

Dù vẫn còn khá rụt rè, song đại diện một số hãng taxi truyền thống nhận định, đó là một quyết định công bằng, trong khi đó các đơn vị cung cấp ứng dụng gọi xe khẳng định sẽ tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam.

Các hãng taxi công nghệ đang nghiên cứu các quy định mới để lựa chọn mô hình hoạt động hiệu quả nhất.

Mâu thuẫn giữa các lợi ích

Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016 của Bộ Giao thông - Vận tải ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đánh dấu sự ra đời và phát triển của loại hình taxi công nghệ với những đơn vị tiên phong là Grab và Uber. Có thể nói, ứng dụng này đã nhanh chóng thay đổi hoạt động vận tải hành khách bằng taxi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách. Chỉ trong thời gian ngắn, các hãng xe công nghệ đã thu hút lượng lớn tài xế "đầu quân", nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường vận tải khiến các hãng taxi truyền thống lao đao.

Chị Nguyễn Thị Minh Anh (Khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông) đánh giá, phương thức đặt xe và thanh toán cước hiện đại, quản lý qua phần mềm đã giải quyết nhu cầu di chuyển nhanh, an toàn, văn minh, qua đó thu hút được ngày càng nhiều người dùng. Đặc biệt, sự ra đời và không ngừng lớn mạnh của taxi công nghệ đã khiến các hãng taxi truyền thống phải tự thay đổi, nâng cao chất lượng phục vụ nếu không muốn mất thị phần. Tuy nhiên, có một điều khiến khách hàng chưa hài lòng là taxi công nghệ thường tự đưa ra các mức giá rất cao, thậm chí gấp 3-4 lần so với thông thường vào các khung giờ cao điểm, hoặc lúc thời tiết không thuận lợi.

Cũng vì sự phát triển nhanh của taxi công nghệ nên những mâu thuẫn giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống càng trở nên phức tạp. Taxi truyền thống "kêu" bị đối xử bất công bằng và “tố” taxi công nghệ trốn thuế. Chỉ riêng tại Hà Nội, trong khi taxi truyền thống bị “đóng khung” với khoảng 19.000 phương tiện và bị cấm lưu thông trên một số tuyến đường, tuyến phố vào các khung giờ cao điểm thì taxi công nghệ thoải mái di chuyển trong thành phố và không bị khống chế về số lượng đầu xe.

Trước đây, khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cũng khẳng định, thành phố đã sớm nhận thấy được những bất cập từ sự bùng nổ của taxi công nghệ gây sức ép lên hạ tầng, gia tăng ùn tắc giao thông. Do đó, các cơ quan chức năng của thành phố đã khẩn trương rà soát các tuyến đường cấm taxi hoạt động để bổ sung biển báo phụ cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi; đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm dừng đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định.

Tạo sự công bằng

Ngày 11-2-2020, Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-BGTVT dừng Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng kể từ ngày 1-4-2020 để thực hiện theo quy định mới tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17-1-2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo quy định mới, taxi truyền thống và taxi công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI”, hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định cứng bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe. Trường hợp ô tô dưới 9 chỗ đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1-4-2020, nếu tiếp tục kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải thực hiện cấp lại phù hiệu, dán cố định trên ô tô, thời gian thực hiện xong trước ngày 1-7-2020. Nếu có nhu cầu thực hiện theo loại hình taxi phải cấp lại phù hiệu taxi để hoạt động kinh doanh theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) khẳng định, việc dừng thí điểm sẽ giúp hoạt động của xe công nghệ quy chuẩn hơn, giúp loại hình vận tải này được công nhận chính thức chứ không chỉ dừng ở thí điểm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực này phải điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với các quy định của pháp luật.

Là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia thí điểm và đang nắm thị phần lớn nhất trên thị trường gọi xe công nghệ, đại diện Grab Việt Nam nhận định, quyết định dừng thí điểm này không ảnh hưởng đến hoạt động của Grab tại Việt Nam. Các tài xế của Grab vẫn hoạt động bình thường trên nền tảng ứng dụng Grab. Grab đang nghiên cứu Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ để lựa chọn mô hình hoạt động tốt nhất cho mình. Tuy nhiên, dù lựa chọn phương án nào thì Grab vẫn tuân thủ pháp luật và bảo đảm tối đa quyền lợi của khách hàng, tài xế…

Về phía các hãng taxi truyền thống, ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh cho rằng, quyết định dừng thí điểm với taxi công nghệ của Bộ Giao thông - Vận tải và Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ góp phần bảo đảm sự công bằng cho các doanh nghiệp. Dù là doanh nghiệp trong nước hay có vốn đầu tư nước ngoài đều phải chịu sự quản lý của Nhà nước.

“Nghị định của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo sự bình đẳng, công khai, minh bạch giữa các loại hình vận tải. Từ đó, các doanh nghiệp lựa chọn hình thức kinh doanh đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hành khách và bảo đảm nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Thực tế cho thấy, đã có những hãng taxi truyền thống có tới 4.000-5.000 xe chất lượng dịch vụ rất tốt, thậm chí còn tốt hơn cả taxi công nghệ. Tôi cho rằng, chất lượng dịch vụ và uy tín của các hãng sẽ quyết định sự lựa chọn của hành khách” - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dừng thí điểm taxi công nghệ: Tạo sự bình đẳng và minh bạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.