(HNM) - Không chỉ gây nhức nhối đối với khu vực thành thị, thời gian gần đây,
Thời gian qua, hàng trăm vụ tín dụng đen bị "vỡ" đã khiến nhiều người hoang mang. Những con số hàng trăm tỷ đồng, thậm chí là hơn thế cho thấy "tín dụng đen" đang trở thành vấn đề nóng của xã hội. Núp bóng dưới hình thức cho vay ngang hàng hoặc tổ chức cầm đồ, với quảng cáo ban đầu là cho vay nhanh, lãi suất thấp, nhưng thực tế là lãi suất cao ngất ngưởng, có khi lên tới hàng trăm phần trăm/năm, khiến không ít người rơi vào cảnh mất nhà, sạt nghiệp.
Tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, tình hình tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Điều này cho thấy thực tế là người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi.
Tuy nhiên, ngành Ngân hàng cũng đã tích cực phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Cụ thể, đã phối hợp theo đề nghị của cơ quan công an, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến "tín dụng đen" tại 16 tỉnh, thành phố với tổng số tiền khoảng 117 tỷ đồng. Trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.
Ông Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an thông tin về thực trạng, cách nhận diện "tín dụng đen" cũng như khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, đấu tranh với hoạt động "tín dụng đen" diễn biễn phức tạp thời gian qua và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động này.
Về giải pháp nhằm hạn chế "tín dụng đen", ông Vũ Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP với điểm nhấn đột phá là nâng gấp đôi mức cho vay không có tài sản bảo đảm của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình.
Cụ thể: Cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.
Việc nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng này góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng khách hàng thiếu vốn sản xuất kinh doanh và không có tài sản bảo đảm phải tìm đến các nguồn vốn khác như "tín dụng đen".
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng bổ sung quy định mở rộng đối tượng được vay không có tài sản bảo đảm đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, quy định về việc tổ chức tín dụng được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án...
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ra đời song hành cùng các giải pháp về tín dụng của ngành Ngân hàng đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Hiện, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã đạt kết quả đáng khích lệ, với tín dụng đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.