Sức khỏe

Đừng để mất Tết vì… “quá chén”

Thu Trang 31/12/2023 - 08:53

Đến hẹn lại lên, những ngày gần Tết, các bữa tiệc tất niên, tổng kết, sum họp diễn ra triền miên, kéo theo đó lượng tiêu thụ rượu, bia của người dân cũng tăng đột biến.

Không chỉ đối mặt với nguy cơ ngộ độc, việc uống quá nhiều rượu, bia, cộng với chế độ ăn uống không điều độ dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe.

benh-nhan-ngo-doc-ruou.jpg
Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Uống đến mù mắt, xơ gan, loạn thần…

Ngay trong những ngày cuối năm, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) liên tục tiếp nhận các bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp), trong đó đã có 3 trường hợp bị mù mắt hoàn toàn.

Điển hình là bệnh nhân B.V.T (69 tuổi, ở Vĩnh Phúc) bị nghiện rượu nặng. Trước ngày nhập viện, ông T có nhờ cháu ngoại đi mua rượu ở cửa hàng tạp hóa về uống. Sau đó, ông bị đau đầu, nôn ói và đi ngủ. Khi tỉnh dậy, bệnh nhân không nhìn thấy gì nên được đưa đi cấp cứu. Bệnh nhân được chuyển tuyến từ Vĩnh Phúc đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng mê sảng, loạn thần và mù mắt.

Trường hợp thứ hai là ông Đ.V.K (59 tuổi, ở Thanh Hóa) được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cũng trong tình trạng mất thị lực. Trước đó, ông từng đi khám tại Bệnh viện Mắt trung ương vì không nhìn thấy. Sau khi thăm khám không cho ra kết quả, nên các bác sĩ giới thiệu sang Trung tâm Chống độc vì nghi ngờ ngộ độc cồn công nghiệp.

Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, ông K uống rượu nhiều năm nay. Mỗi ngày vào bữa sáng, ông thường uống 3 ly rượu (mỗi ly khoảng 100-120ml). Trước khi có biểu hiện mất thị lực, ông đi ăn sáng và uống rượu tại quán ăn. Hai ngày sau, ông có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn… Sau đó, ông không nhìn thấy bất kỳ thứ gì xung quanh.

Tại bệnh viện, ông được chẩn đoán mất thị lực do ngộ độc methanol. Ngoài ra, do bệnh nhân uống rượu trong một thời gian dài dẫn tới xơ gan, mất chức năng tủy.

Trường hợp thứ ba là bệnh nhân N.V.T (60 tuổi, ở Vĩnh Phúc) uống rượu hôm trước đến hôm sau có biểu hiện đau đầu, buồn nôn và mờ mắt, không nhìn rõ gì.

Trước đó, ông T có uống rượu được mua từ nhà một người chuyên nấu rượu nhưng không ngờ kết quả xét nghiệm cho thấy, nồng độ methanol trong máu của bệnh nhân rất cao. Điều đó cho thấy, loại rượu ông T uống có pha cồn công nghiệp.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đa phần những trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải loại rượu trắng “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần) trôi nổi ngoài thị trường. Vì lợi nhuận, người sản xuất đã pha cồn công nghiệp vào rượu.

“Trong dịp cuối năm và sau kỳ nghỉ Tết, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu methanol thường gia tăng. Điều đáng nói, ngộ độc methanol do uống phải rượu giả khiến người uống không biết và nghĩ rằng bị say rượu. Thậm chí, biểu hiện khi ngộ độc rượu methanol lại chậm và âm thầm nên phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt. Mặc dù được điều trị tích cực, song tỷ lệ tử vong vẫn chiếm 30-50%. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng mù mắt, hoặc di chứng ở não, gan...”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.

Không chỉ đối mặt với nguy cơ ngộ độc, việc lạm dụng rượu bia cũng gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Thạc sĩ - bác sĩ Lê Thị Phương Thảo, Phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, 10% rượu hấp thu ở dạ dày, số còn lại ở ruột non. Sau khi uống khoảng 30-90 phút thì nồng độ hấp thu rượu đạt đỉnh. Thời gian hấp thu phụ thuộc uống lúc no (hấp thu chậm hơn) hay lúc đói (hấp thu nhanh hơn).

Khi rượu được hấp thu vào hệ tuần hoàn, nó được phân bố tới não và toàn bộ các mô trong cơ thể, vì rượu hòa tan hoàn toàn trong nước ở cơ thể. Do đó, rượu gây ảnh hưởng đến não, gan và nhiều cơ quan khác trong cơ thể…

nhieu-ca-cap-cuu-tngt.jpg
Nhiều ca tai nạn giao thông điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức liên quan đến rượu bia.

Các chuyên gia còn cho rằng, lạm dụng đồ uống có cồn không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm.

Rượu “xịn”, bia “xịn” vẫn nguy hại

Nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu ngoại, rượu có thương hiệu thì không hại gan. Thế nhưng, theo các chuyên gia y tế, dù rượu “xịn”, bia “xịn” mà lạm dụng uống nhiều, uống không đúng lúc thì vẫn nguy hại cho sức khỏe.

Việc sử dụng rượu, bia lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức đề kháng của cơ thể. Người uống rượu, bia lâu ngày, khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung thì bệnh rất dễ trở nên nặng hơn, nguy cơ tử vong cao hơn.

Các chuyên gia của Bệnh viện K cũng cho hay, hầu hết những người mắc ung thư gan điều trị tại bệnh viện đều liên quan đến lạm dụng rượu, bia.

luc-luong-chuc-nang-thu-giu-ruou.jpg
Lực lượng chức năng của Hà Nội thu giữ rượu không nguồn gốc trên thị trường.

Vào thời điểm cuối năm, việc uống rượu, bia trong các bữa liên hoan, sum họp là điều khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, mọi người cần lưu ý mua và sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có uy tín trên thị trường và bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, mỗi người cần tự giác điều chỉnh, không nên lạm dụng uống nhiều bia, rượu và biết uống có điểm dừng, không ép buộc nhau uống nhiều; đặc biệt, tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia.

Từ góc độ chuyên môn, Thạc sĩ - bác sĩ Lê Thị Phương Thảo lưu ý, trong trường hợp cần uống rượu thì không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày đối với nam và một đơn vị cồn/ngày đối với nữ. Không nên uống quá 5 ngày/tuần.

Cụ thể, đối với nam không nên uống quá 1-1,5 chai/lon bia/ngày; khi uống bia không nên uống 2 cốc/ngày và không quá 2 ly rượu vang/ngày, 2 ly rượu (40 độ)/ngày. Nữ thì bằng 1/2 của nam và không uống quá 5 ngày/tuần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để mất Tết vì… “quá chén”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.