(HNM) - Mất an toàn giao thông đường thủy là điều đang tồn tại ở nhiều bến khách ngang sông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc khách không sử dụng áo phao, dụng cụ nổi; bến bãi thiếu an toàn; phà chở ô tô trái quy định... như một thách đố đầy mạo hiểm trước “thủy thần”. Dù chưa có vụ tai nạn thương tâm nào xảy ra gần đây trên địa bàn thành phố nhưng đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý loại hình vận tải này...
Những nỗi bất an...
Trên địa bàn Hà Nội có 19 bến thủy nội địa chở khách ngang sông, sử dụng phương tiện phà một lưỡi và tàu chở người thuộc địa bàn các quận, huyện, thị xã: Hoàng Mai; Sơn Tây; Ba Vì; Đan Phượng; Thường Tín; Phú Xuyên; Gia Lâm; Mê Linh. Mục sở thị những bến khách ngang sông thuộc các huyện, thị xã: Thường Tín, Thanh Trì, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì trong ngày 17 và 18-4, phóng viên Báo Hànộimới cảm nhận được phần nào sự mất an toàn trên những chuyến phà ngang sông Hồng.
Trên bến khách ngang sông Liên Trung (xã Liên Trung, huyện Đan Phượng) sang xã Đại Mạch (huyện Đông Anh), thời điểm 8h30 sáng 17-4, do sóng to, nhiều sà lan qua lại nên phà liên tục rung lắc, chòng chành. Trên phà có hơn 20 hành khách và nhiều xe đạp, xe máy nhưng không ai mặc áo phao hay đeo dụng cụ nổi, kể cả người lái phà. Hỏi một người dân xã Đại Mạch thường xuyên đi phà sang bán rau bên chợ Dày, xã Liên Trung về việc mặc áo phao, người này lắc đầu: “Áo cũ, bẩn nên không mặc. Vả lại, đi có mấy phút, mặc vào, cởi ra mất thời gian”.
Từ bến xã Đại Mạch, đi khoảng 14km dọc đê tả sông Hồng, phóng viên có mặt tại bến Chu Phan (huyện Mê Linh) đi sang xã Thọ An (huyện Đan Phượng). Tại đây, nhân viên bán vé thu 10.000 đồng/người/lượt; xe máy 10.000 đồng/lượt… Trong khi đó, Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND ngày 13-3-2018 của UBND thành phố Hà Nội ban hành giá dịch vụ đò, phà trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định chỉ từ 3.000 đồng đến 7.000 đồng/lượt. Tại bến đối lưu Thọ An, giá vé cũng tương tự... Giải thích việc này, chủ bến khách ngang sông Thọ An Đào Khắc Độ lý giải: Thời gian qua, giá xăng, dầu đã tăng nhiều; mức giá quy định từ năm 2018 sẽ không bảo đảm cho bến vận hành. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng, nhưng chưa được trả lời”, ông Đào Khắc Độ nói.
Men theo đê hữu sông Hồng, phóng viên có mặt tại bến khách Vân Phúc (huyện Phúc Thọ) sang xã Hồng Châu (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) và nhận thấy nhiều vi phạm cũng lặp lại. Trong khi đó, tại các bến khách thị xã Sơn Tây sang xã Vĩnh Ninh (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc); bến Vạn Phúc (huyện Thanh Trì); bến Hồng Vân (huyện Thường Tín)… tình trạng mất an toàn cũng hiện hữu. Đặc biệt ở bến thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, đường ra bến chỉ là lối mòn bãi sông, chủ phà cho “hạ cánh” ngay mép cát lầy... khiến hành khách gặp nhiều khó khăn.
Song, gây “ấn tượng” nhất là bến khách ngang sông Chu Minh - Minh Châu (huyện Ba Vì). Dù hạ tầng hai bến đều khang trang, song vào mùa nước cạn, phà từ xã Chu Minh sang Minh Châu không thể cập bến chính, buộc phải trả khách ở bến tạm - nơi có đường dẫn xuống cấp, hẹp, dốc. Phà chở đông học sinh, nhưng không em nào mặc áo phao hay đeo dụng cụ nổi... Đặc biệt, người bán vé khẳng định chắc nịch: “Phà em chở ô tô bình thường”, trong khi bến khách này cấm chở ô tô.
Tăng trách nhiệm, nâng ý thức
Trao đổi về thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ) Đặng Minh Tuyên và Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Mai Văn Ngần đều khẳng định, dù đã được tuyên truyền, nhưng chỉ khi có lực lượng chức năng kiểm tra, khách đi phà mới mặc áo phao... Còn với bến khách ngang sông Chu Minh - Minh Châu, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Ba Vì Nguyễn Văn Tùng cho biết: Mặc dù bến trang bị đầy đủ thiết bị bảo đảm an toàn, nhưng do tâm lý chủ quan của “dân sông nước” nên nhiều học sinh không mặc áo phao... Việc phà chở ô tô có thể chỉ là hãn hữu, vì ô tô thường di chuyển sang xã Minh Châu qua cầu Vĩnh Thịnh... Tuy nhiên, việc này sẽ được các cấp phối hợp kiểm tra.
Về những tồn tại trên, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Cao Văn Hiệp khẳng định, việc trang bị và yêu cầu hành khách mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi là bắt buộc. Từ năm 2022 đến nay, Thanh tra Sở phối hợp với lực lượng chức năng xử phạt 72 trường hợp, phạt tiền hơn 188 triệu đồng (trong đó, áo phao 16 trường hợp; phạt tiền hơn 43 triệu đồng)... Do lực lượng Thanh tra giao thông đường thủy nội địa còn mỏng, địa bàn quản lý rộng nên khi vắng bóng lực lượng chức năng, một số chủ đò còn vi phạm. Thời gian tới, Thanh tra Sở sẽ chỉ đạo các đội thanh tra giao thông vận tải trực thuộc tiếp tục tuyên truyền, giám sát, xử lý vi phạm...
Với thực trạng trạng này, mất an toàn giao thông đường thủy ở các bến khách ngang sông vẫn là điều bất an cần sự chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm của cơ quan chức năng để bến khách ngang sông vận hành thật sự an toàn, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.