(HNM) - Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần, nguy cơ bệnh nhân mắc liên cầu lợn lại tăng lên do tập quán thịt lợn, ăn tiết canh lấy may dịp cuối năm.
Hiện nay, nhiều người dân chủ quan cho rằng, lợn do gia đình nuôi là lợn sạch và có thể ăn tiết canh mà không bị nhiễm bệnh liên cầu lợn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành thú y, bất kể giống lợn nào, được chăn nuôi trong điều kiện nào, vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. Thông thường, vi khuẩn liên cầu cư trú ở vùng họng của lợn mà không gây bệnh cho con vật, do đó, những con lợn này trở thành lợn lành mang mầm bệnh và bệnh chỉ phát ra ở những con lợn có sức miễn dịch yếu.
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), người nhiễm bệnh liên cầu lợn gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể trạng mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có người chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, nhưng có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng. Khi mới nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài. Tiếp đó, người bệnh bị đau đầu, ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn. Điều trị bệnh liên cầu lợn rất tốn kém và tỷ lệ tử vong khoảng 7%.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Nếu lỡ bị bệnh liên cầu lợn khi có biểu hiện sốt cao (40, 41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở thì người bệnh cần đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.