An toàn thực phẩm

Báo động về bệnh liên cầu lợn

Xuân Lộc 08/09/2023 - 07:14

Thành phố Hà Nội vừa ghi nhận thêm 1 bệnh nhân tử vong do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn. Ca bệnh này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về căn bệnh nguy hiểm đang có xu hướng gia tăng mà nguyên nhân liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món ăn từ thịt lợn chưa nấu chín…

cau-lon.jpg
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai).

Đã có 15 người nhiễm bệnh

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận một nam bệnh nhân (50 tuổi, ở quận Thanh Xuân) bị sốt 40 độ C, mệt mỏi, đau nhức cả hai khớp chân. Bệnh nhân tự uống thuốc hạ sốt tại nhà nhưng tình trạng bệnh nặng lên.

Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán, viêm phổi biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, toan chuyển hóa nặng. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong. Kết quả xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis).

Trước đó, nam bệnh nhân (48 tuổi, ở huyện Ba Vì) cũng tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn. Trước khi nhiễm bệnh, trong quá trình giết mổ, bệnh nhân không sử dụng biện pháp bảo hộ. Hai ngày sau khi giết mổ lợn, bệnh nhân sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, đau mỏi người, nôn.

Sau đó một ngày, bệnh nhân xuất hiện ban xuất huyết vùng đầu và trên cơ thể nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 để điều trị. Sau đó, tình trạng bệnh nặng lên và bệnh nhân đã tử vong.

Dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng người dân còn chủ quan với bệnh liên cầu lợn. Trước đây, rất ít người mắc bệnh này, thì nay số bệnh nhân có xu hướng gia tăng.

Theo CDC Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 15 ca mắc liên cầu lợn, trong đó có 2 ca tử vong. Trong khi cùng kỳ năm 2022, thành phố chỉ ghi nhận 1 ca bệnh. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín…

Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp do tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi giết mổ, chế biến thực phẩm.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vi khuẩn Streptococcus suis cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Hiện có 2 týp liên cầu lợn. Týp I hay gây dịch bệnh lẻ tẻ ở các đàn lợn dưới 8 tuần tuổi. Còn týp II gây bệnh ở nhiều lứa tuổi khác nhau của lợn. Týp II thường gây bệnh ở lợn thịt với các dấu hiệu viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm phổi, bại huyết, bệnh đường tiêu hóa, viêm khớp, xuất huyết ở da, gây sảy thai và chết đột tử ở lợn. Streptococcus suis týp II gây bệnh chủ yếu cho người.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở nhiều nơi một số người dân vẫn có thói quen ăn tiết canh và những món ăn tái sống chưa được chế biến chín, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhiễm liên cầu lợn.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong với nhóm bệnh này là rất cao. Do đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để kịp thời phòng, chống bệnh do liên cầu lợn gây ra.

Cách tốt nhất là phòng bệnh

Các chuyên gia y tế cho rằng, khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn, có thể tiêu chảy... khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.

Trường hợp nặng, người bệnh có biểu hiện ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, mê hoảng, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu và sốc nhiễm trùng, tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đưa ra cảnh báo, tỷ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lợn gây ra khoảng 7%. Đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục.

Cách tốt nhất để tránh lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn là phòng bệnh. Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện chưa có vắc xin phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho rằng, nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng và nên nấu ở nhiệt độ trên 70 độ C. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch.

Ngoài ra, nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y; tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, các địa phương cần tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp bị bệnh nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, đưa ngay đến bệnh viện để tổ chức cứu chữa kịp thời. Đặc biệt, chú ý giám sát những đối tượng có tiếp xúc gần với lợn bị bệnh như người chăn nuôi, giết mổ và buôn bán lợn.

Mặt khác, khi phát hiện lợn ốm, chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu hủy. Chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn. Để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo động về bệnh liên cầu lợn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.