Sức khỏe

Nhiệt độ ngày - đêm chênh lệch cao:Cần chủ động bảo vệ sức khỏe

Thu Trang 18/01/2025 - 07:39

Gần đây, sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn giữa ngày và đêm khiến những người có sẵn bệnh lý về đường hô hấp dễ nhiễm bệnh, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em có sức đề kháng kém. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, kéo theo nguy cơ làm dịch bệnh bùng phát, lây lan trong cộng đồng. Trước thực tế này, các chuyên gia đã đưa ra nhiều lưu ý, khuyến cáo người dân cách bảo vệ sức khỏe...

benh-vien.jpg
Điều trị tích cực cho bệnh nhân viêm phổi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Nhiều bệnh gia tăng

Những ngày này, thời tiết chuyển lạnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện chiếm 18,9%; chủ yếu là người cao tuổi và trẻ em. Với những người cao tuổi có bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hay cơ xương khớp khi thời tiết giao mùa, bệnh sẽ tái phát. Còn ở trẻ nhỏ với thời tiết như hiện nay dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp…

Bác sĩ chuyên khoa II Phí Thị Hải Anh, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, ảnh hưởng của yếu tố thời tiết được xem là nguyên nhân khiến số lượng người mắc bệnh tăng. Để giúp việc điều trị hiệu quả, bệnh viện sắp xếp phòng bệnh, không để bệnh nhân phải nằm ghép, đồng thời tăng cường tư vấn, hướng dẫn cho người nhà về cách chăm sóc cũng như bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang điều trị cho gần 20 bệnh nhân viêm phổi, trong đó có những ca nặng phải thở máy và lọc máu liên tục. Điển hình là trường hợp của ông N.T (62 tuổi ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng rất nặng, khó thở… Hơn 10 năm trước, ông N.T mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nhưng không tuân thủ điều trị định kỳ. Khoảng một tuần trước, ông N.T tiếp xúc với người thân mắc cúm và nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng sốt cao, khó thở ngày càng nặng, kèm theo ho và đờm đặc. Khi nhập viện, ông được chẩn đoán viêm phổi nặng, nhiễm cúm A và bội nhiễm nấm Aspergillus phải đặt ống thở máy để duy trì hô hấp…

“Các ca viêm phổi điều trị tại bệnh viện ở nhiều độ tuổi khác nhau: Từ người già, người có bệnh nền đến những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch và trẻ em. Viêm phổi không chỉ là bệnh phổ biến mà còn đặc biệt nguy hiểm ở những người mắc bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết và tổn thương đa cơ quan”, bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) lưu ý.

Ngay trong tuần đầu tiên của năm 2025, tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc) đã khám và điều trị cho hơn 300 ca cúm A, số lượng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng nói là hơn 20% bệnh nhi có biến chứng nặng về đường hô hấp như: Viêm phổi, viêm phế quản, sốt nhiễm khuẩn... gây khó khăn và kéo dài thời gian điều trị. Nguyên nhân phần lớn là do cha mẹ cho trẻ sử dụng thuốc tùy tiện, không qua kê đơn và đưa tới bệnh viện muộn.

Làm gì để bảo vệ sức khỏe?

Theo nhận định của Bộ Y tế, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và mùa lễ hội sắp tới, nhu cầu giao thương, du lịch và sử dụng thực phẩm từ gia súc, gia cầm tăng cao. Cùng với đó, diễn biến thời tiết đặc trưng mùa đông xuân, khí hậu gió mùa, hanh khô, nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Trước nguy cơ đó, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, viêm phổi nặng do vi rút, các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong dịp Tết, mùa lễ hội; đồng thời tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh tại cửa khẩu, trong cộng đồng, tại cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan và hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong. Còn tại các cơ sở y tế, Bộ Y tế yêu cầu bảo đảm công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, nhất là trong thời gian Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Các chuyên gia dự báo, thời tiết Tết Nguyên đán năm nay sẽ tiếp tục lạnh. Vì vậy, người dân cần cẩn trọng không để nhiễm bệnh, lây bệnh trong cộng đồng. Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến cáo, để cơ thể khỏe mạnh, đủ sức chống chọi với thời tiết không thuận lợi thì cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là vitamin C, D, A, kẽm, magie... có nhiều trong các loại rau xanh, trái cây tươi, các loại hạt, cá, trứng, sữa... Riêng với trẻ nhỏ và người lớn tuổi cần chia nhỏ các bữa ăn và nên ăn tăng cường những món ăn dễ tiêu hóa như: Cháo, súp. Hạn chế đồ ăn dầu mỡ, nhiều đường, đồ uống có cồn, chất kích thích. Uống đủ nước (1,5-2,5 lít/ngày) để phòng bệnh hô hấp và tăng cường sức khỏe. Ngoài ra, nên duy trì tập thể dục, thể thao, ngủ đủ giấc. Đặc biệt, khi thời tiết có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn cần duy trì môi trường sống lành mạnh thông qua việc vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, vi rút, nấm mốc...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiệt độ ngày - đêm chênh lệch cao: Cần chủ động bảo vệ sức khỏe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.