Sau khi xuất hiện triệu chứng sốt cao, ăn kém, nghe kém, cụ ông 77 tuổi (ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) được đưa đến bệnh viện. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc liên cầu khuẩn lợn.
Ngày 23-9, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận 1 ca mắc liên cầu lợn là cụ ông 77 tuổi (huyện Đan Phượng).
Bệnh nhân khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao, đau mỏi người, ăn kém, nghe kém. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện trình trạng ý thức lơ mơ, được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương điều trị.
Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm cấy máu cho thấy, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn. CDC Hà Nội cho hay, hiện chưa rõ tiền sử dịch tễ của bệnh nhân.
Các chuyên gia phân tích, với các bệnh nhân mắc liên cầu lợn, nguyên nhân chủ yếu do ăn các thực phẩm chế biến chưa chín từ lợn (tiết canh, thịt tái); tiếp xúc với lợn mắc bệnh qua các vết thương hở trong quá trình giết mổ, chế biến...
Như vậy, tính từ đầu năm tới nay, Hà Nội đã ghi nhận 9 ca mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 1 ca tử vong.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn Streptococcus suis gây nên. Liên cầu lợn được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu ở những nơi chăn nuôi lợn. Vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, họng, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn.
Thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương thường xuyên tiếp nhận và điều trị các trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch, suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu nghiêm trọng. Có những bệnh nhân được chữa khỏi nhưng phải cắt bỏ đầu ngón tay hoặt ngón chân bị hoại tử…
Vì vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ, để phòng nguy cơ nhiễm bệnh, người dân cần chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, rõ nguồn gốc, tránh mua thịt có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Mặt khác, không giết mổ, ăn thịt lợn bị ốm, không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, vi khuẩn liên cầu lợn có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm nấu chín kỹ. Do đó, người dân nên tuân thủ ăn chín uống sôi, không ăn thịt lợn chết, không ăn các món tái, sống, đặc biệt là tiết canh lợn và các loại tiết canh dê, ngan, vịt. Khi có các triệu chứng của bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.