(HNM) - Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) thời gian qua được các sở, ngành chức năng của thành phố Hà Nội quan tâm đẩy mạnh, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần đưa sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố đang dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP của 426 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh đã được đánh giá và phân hạng. Trong đó, thành phố đã phát triển khoảng 80 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các quận, huyện, thị xã để quảng bá, giới thiệu đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, khách du lịch. Đây đều là những điểm uy tín, không chỉ tiêu thụ sản phẩm OCOP Hà Nội mà còn kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP từ 25 tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, với mong muốn giúp người dân được sử dụng các sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng, trong những năm qua, Sở Công Thương đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố, đẩy mạnh khai thác nguồn hàng trái cây, nông sản an toàn, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng về tiêu thụ tại hệ thống phân phối của Hà Nội.
Đặc biệt, trong năm 2022, nhiều chương trình như Hội chợ hàng Việt, Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn, Lễ hội trái cây; Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội trên địa bàn một số huyện; Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội; Hội chợ đặc sản vùng miền… đã diễn ra góp phần quảng bá sản phẩm nông sản đến người dân và du khách.
Là một trong những đơn vị đồng hành, chung tay cùng các chủ thể OCOP đưa sản phẩm, thương hiệu, đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân Nguyễn Thị Hợi cho biết: “Các sản phẩm OCOP đã khẳng định được vị thế trên thị trường thực phẩm sạch Hà Nội và được người tiêu dùng đón nhận. Chúng tôi hy vọng, sản phẩm OCOP không chỉ dừng lại ở những bữa ăn gia đình, mà còn được phổ cập vào bếp ăn trường học, khu công nghiệp để tất cả mọi người đều được sử dụng, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe”.
Tuy nhiên, việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP vẫn còn những khó khăn, thách thức, đặc biệt là hoạt động ứng dụng công nghệ số chưa đạt được kết quả tương xứng với tiềm năng thực tế. Mặt khác, để sản phẩm OCOP có thể đưa vào hệ thống phân phối lớn, thì việc sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn trong nước cũng như tiêu chuẩn thị trường là yếu tố rất quan trọng. Trong khi đó, các yêu cầu này đang đòi hỏi ngày càng cao hơn như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Do đó, các chủ thể OCOP cần tiếp cận các thông tin này để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng như hệ thống phân phối cần đẩy mạnh hợp tác để thúc đẩy phát triển chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, để Chương trình OCOP được thực hiện có hiệu quả, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời gian tới là tăng cường chuyển đổi số, như: Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)…
Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Sendo… “Thông qua kênh thương mại điện tử, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản vùng miền của Hà Nội đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế”, bà Nguyễn Thị Mai Anh khẳng định.
Bên cạnh đó, thời gian tới, Hà Nội cần tập trung đẩy mạnh phát triển xây dựng thương hiệu; xây dựng quy hoạch, phát triển và liên kết vùng nguyên liệu bền vững; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa; phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.