(HNM) - Trung tâm Việt Nam học Kiev thuộc Đại học Tổng hợp Taras Shevchenko - Đại học Quốc gia Kiev (Ukraine) thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9-2015. Mục đích của Trung tâm mở ra là giới thiệu bản sắc văn hóa, ngôn ngữ của Việt Nam đến với người dân Ukraine và ngược lại.
- Trung tâm Việt Nam học được thành lập là một nét mới, một niềm vui rất lớn đến với người Việt Nam và đánh dấu sự phát triển nâng tầm quan hệ giáo dục Việt Nam - Ukraine. Vậy anh có thể cho biết đôi nét về Trung tâm Việt Nam học?
- Trung tâm Việt Nam học mới được thành lập nhưng ngay từ đầu phương hướng của Trung tâm là thông qua việc giảng dạy tiếng Việt, văn học Việt Nam nhằm góp phần vào việc phát triển và củng cố mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước. Với tư cách một người viết, một người làm công việc dịch văn học, tôi đưa ra hai mục tiêu. Thứ nhất là giới thiệu cho độc giả Việt Nam những sáng tác của Taras Shevchenko - một nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà hoạt động chính trị kiệt xuất của đất nước Ukraine. Tôi được biết ở Việt Nam cũng đã có dịch những tác phẩm thơ nhưng chưa nhiều, chưa đủ. Bên cạnh đó, Taras Shevchenko còn để lại hơn 20 tác phẩm văn xuôi, hơn 20 truyện ngắn, truyện vừa. Đó là một di sản vô cùng quý báu mà tôi cùng một số sinh viên muốn chuyển ngữ sang tiếng Việt để độc giả Việt Nam được thưởng thức. Dự án thứ hai mà chúng tôi ấp ủ là chuyển dịch một số truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam sang tiếng Ukraine và tiếng Nga.
- Theo ông, việc đưa văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế gặp những rào cản gì?
- Tôi nghĩ, đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài là niềm mơ ước, ấp ủ của rất nhiều nhà văn Việt Nam. Mơ ước là thế nhưng thực hiện được không phải dễ dàng vì Việt Nam có một nền văn học còn non trẻ so với các nền văn học lớn trên thế giới như Nga, Pháp, Anh, Mỹ... Việc độc giả nước ngoài tìm đến, đọc văn học Việt Nam là rất khó. Nhưng điều đó không có nghĩa là không làm nổi. Đưa văn học Việt Nam đến với độc giả nước ngoài phải được xem là một nghĩa vụ, một sứ mệnh. Việc này chỉ có thể làm được với sự cộng tác của các em sinh viên năm cuối của trường vì các em đã có vốn tiếng Việt khá tốt, có thể đọc và hiểu các tác phẩm bằng tiếng Việt. Chúng tôi muốn làm hai dự án sách này theo kiểu sách song ngữ để làm giáo trình học tiếng cho các em học sinh, sinh viên của cả cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Liên Xô cũ tham khảo, tự học nâng cao trình độ ngôn ngữ Việt - Ukraine - Nga của mình.
- Theo ông, điều gì là khó khăn nhất trong các dự án dịch thuật và phát triển Trung tâm Việt Nam học?
- Sáng tác, dịch thuật là vấn đề rất riêng tư của nhà văn, của dịch giả. Trước tiên, đó là kỷ luật và mệnh lệnh đối với ngay chính bản thân mình. Mỗi ngày dành 1 đến 2 giờ để làm công việc mà mình quyết tâm làm. Kiên trì mỗi ngày làm một ít, dù chỉ dịch dăm ba dòng, nhưng không được phép lười. Điều thứ hai là phải luôn luôn rèn luyện nâng cao trình độ, kỹ năng dịch, kỹ năng viết... Còn để phát triển Trung tâm Việt Nam học cần có quyết tâm của những người tham gia. Ngoài ra vấn đề tài chính cũng có yếu tố quyết định. Nếu được sự giúp đỡ của các tổ chức hay cá nhân có tâm huyết thì việc in ấn, xuất bản các ấn phẩm sẽ sớm đến được tay độc giả của hai nước hơn.
- Cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.