Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa miền núi về gần với miền xuôi

Nguyễn Mai| 24/08/2018 06:34

(HNM) - TP Hà Nội có 14 xã (thuộc 5 huyện) vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Do xuất phát điểm thấp nên trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, khu vực này gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành thành phố, sự nỗ lực của người dân đã từng bước đưa khu vực miền núi về gần với miền xuôi.

Chăm sóc rau an toàn tại xã Yên Bình (huyện Thạch Thất). Ảnh: Thái Hiền


7/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Theo Ban Dân tộc thành phố, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô chiếm khoảng 10% diện tích tự nhiên toàn thành phố, với hơn 53.000 người chủ yếu là dân tộc Mường, Dao. Do nằm xa trung tâm, dân cư sinh sống phân tán, trình độ dân trí hạn chế, kinh tế phát triển chậm… nên đời sống của người dân lâu nay gặp nhiều khó khăn.

Nhằm từng bước xóa bớt khoảng cách phát triển với các khu vực khác, TP Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 31-10-2011 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô giai đoạn 2011-2015". Cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TU, UBND thành phố đã ban hành các kế hoạch đầu tư hơn 1.276 tỷ đồng cho 202 công trình xây dựng hạ tầng nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực này.

Nhờ sự quan tâm của thành phố và sự nỗ lực của cán bộ, các tầng lớp nhân dân, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô đã cải thiện đáng kể. Đến nay, bình quân thu nhập đầu người khu vực này đã đạt 28,5 triệu đồng/năm; có xã đạt hơn 35 triệu đồng/năm. Toàn thành phố đã có 7/14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Xã Ba Trại (huyện Ba Vì) vừa được UBND TP Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chia sẻ về đổi thay của địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Ba Trại Bạch Minh Hằng cho hay: "Hạ tầng kỹ thuật nông thôn của xã được đầu tư khang trang, sạch đẹp, với 100% đường liên xã, trục thôn, 95% đường ngõ xóm, 85% đường trục chính nội đồng và 90% kênh mương đã được kiên cố hóa bê tông. Người dân Ba Trại cũng đã chuyển từ trồng chè truyền thống sang trồng chè sạch, kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ… nên cuộc sống ngày một cải thiện".

Chưa hết, theo lời bà Bạch Minh Hằng, chung tay xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong xã đã đóng góp tiền của, công sức vào việc chung của làng xóm. Ví như thôn 1, người dân đã hiến hơn 3.000m2 đất thổ cư, tự nguyện tháo dỡ hơn 1.000m tường rào để mở rộng đường giao thông trục thôn từ 3m lên 5m, 7m. Ngoài ra, nhân dân đóng góp gần 300 triệu đồng để kiên cố hóa bê tông 1.000m2 sân chơi, xây dựng 2 cổng làng, xây tường bao khu nghĩa trang của địa phương...

Gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, sự đổi thay cũng đến với nhiều xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô. Đơn cử, huyện Thạch Thất, hiện có 3/3 xã miền núi là Yên Trung, Tiến Xuân, Yên Bình đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Tương tự, huyện Quốc Oai có 2/2 xã là Đông Xuân, Phú Mãn cũng hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Mặc dù đã có nhiều đổi thay, song các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô vẫn còn những khó khăn, cần nỗ lực để vượt qua. Ví như tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức), theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Mạnh Ngự, trong số 19 tiêu chí nông thôn mới, xã mới có 8 tiêu chí đạt, 7 tiêu chí cơ bản đạt và 4 tiêu chí chưa đạt là: Cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người và chợ. Hiện An Phú có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Mỹ Đức; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 17 triệu đồng/năm. Với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã An Phú mới có 12/13 thôn có nhà văn hóa, nhưng trong số 12 thôn có nhà văn hóa thì 8 thôn, nhà văn hóa được xây dựng từ lâu, quy mô nhỏ, không đạt chuẩn, cần tiếp tục đầu tư...

Mục tiêu của huyện Ba Vì là phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Ngô Vi Khả, hiện nay, trên địa bàn huyện mới có 13/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tại 7 xã miền núi của huyện, mới có xã Ba Trại đạt chuẩn nông thôn mới. “Để hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở các xã này sẽ vô cùng khó khăn, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Là địa phương còn nhiều khó khăn, mục tiêu hoàn thành huyện nông thôn mới trong thời gian ngắn, vì vậy Ba Vì rất cần sự hỗ trợ của thành phố" - ông Ngô Vi Khả chia sẻ.

Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho biết, hiện các xã có nhiều thuận lợi trên địa bàn thành phố đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, các xã còn lại chưa hoàn thành đều khó khăn. Để hoàn thành xây dựng nông thôn mới, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, xây dựng kế hoạch cụ thể, có giải pháp căn cơ để thực hiện. Bên cạnh đó, thành phố xem xét tiếp tục hỗ trợ thông qua chương trình, dự án cụ thể để các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô sớm về đích xây dựng nông thôn mới. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đưa dần khoảng cách chênh lệnh giữa khu vực miền núi về gần với miền xuôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa miền núi về gần với miền xuôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.